Chương 4
Đó là năm thứ năm chúng tôi yêu nhau, năm thứ tư tôi ở nhà làm nội trợ, năm đầu tiên tôi làm mẹ, và cũng là năm thứ ba Phó Khải Thừa ngoại tình.
Cây bút trong tay cảnh sát Tống khựng lại, đầu bút chọc thủng tờ giấy.
“Ngoại tình?” Anh ta ngẩng lên: “Đây là cậu phỏng đoán hay là…”
“Buồn cười thật, anh ta ngoại tình từ năm thứ hai sau khi cưới, mà tôi mãi chẳng hay biết gì.” Tôi cười nhạt.
“Vậy nên, cậu đã…” Giọng anh ta cảnh giác.
“Cậu nghi tôi giết chồng à?” Tôi lại cười.
“Chắc cậu biết, khi xảy ra tai nạn, người đầu tiên chúng tôi nghi ngờ chính là người bạn đời.” Anh ta nói.
“Chắc tôi biết ư? Tôi không biết.” Tôi ngừng lại một chút, rồi nói tiếp: “Tôi không giết người.”
“Lữ Nghiên, làm sao tôi tin cậu được?”
“Ờm… nhờ chút tình bạn học cũ được không?” Tôi le lưỡi, hơi tinh nghịch.
“Nghiêm túc!” Anh ta đóng sập cuốn sổ: “Từ nãy đến giờ cậu toàn cười!”
Đúng là không giống người vừa mất chồng chút nào.
Tôi mặc kệ: “Sao nào? Ba điều sướng của đàn ông các cậu, chẳng phải thăng quan, phát tài, vợ chết đấy sao?”
Anh ta sững người, bất lực đứng dậy đi về phía cửa: “Cậu nghỉ ngơi đi, hôm khác nói chuyện tiếp.”
“Cảnh sát Tống.” Tôi lắc điện thoại: “Thật ra trước khi chuyện xảy ra, tôi với anh ta cãi nhau trên xe, tôi có ghi âm lại. Cậu muốn nghe không?”
Anh ta dừng chân, quay lại từng bước, từng bước một, rồi ngồi xuống chỗ cũ.
Tôi đưa điện thoại, nhìn anh ta nhấn nút phát.
Trong điện thoại, giọng Phó Khải Thừa vang lên: “Em biết từ bao giờ?”
“Năm thứ năm.” Tôi đáp.
Anh ta cười khẩy: “Không ngờ em chịu đựng được những hai năm. Vì cái gì? Tìm chứng cứ? Kiện tụng? Hay tiếc của?”
“Vì anh là bố của Minh Tâm. Anh không phải người chồng tốt, nhưng cũng là một người bố tạm được.”
“Anh không phải người chồng tốt? Lữ Nghiên, đừng làm anh buồn cười. Em soi gương xem lại mình đi, nhìn tóc tai, nám má, mỡ bụng của em kìa.”
“Anh còn đối diện được với em, còn đóng vai người chồng, còn diễn kịch chung thủy, thì em nên đi xem phong thủy, xem mộ tổ nhà em có bốc khói xanh không (*).”
(*) Người Trung Quốc tin rằng khói xanh từ mộ tổ là điềm báo của sự thịnh vượng, phú quý sắp đến. Tổ tiên hiển linh, phù hộ độ trì cho gia đình.
“Em thật sự nghĩ Minh Tâm sống tốt là nhờ em à?”
“Em thật sự nghĩ mấy cô dâu nhà giàu kia chơi với em là vì nể em à?”
“Em thật sự nghĩ mẹ em suốt ngày khoe khoang là vì em làm bà ấy nở mày nở mặt à?”
Anh ta châm chọc đủ điều, tôi chẳng khóc lóc, cũng chẳng gào thét, chỉ im lặng. Vậy mà anh ta lại đổi giọng, nhỏ nhẹ: “Em yêu, đừng giận nữa, anh làm gì sai sao?”
“Không, anh tốt lắm, là tôi không xứng với anh, tôi buông tha cho anh, chúng ta ly…”
“Em yêu, tốt nhất đừng nhắc đến hai chữ ly hôn, dù sao cũng là vợ chồng… anh thật sự không muốn đẩy em xuống đâu.”
Cảnh sát Tống tay nắm chặt điện thoại, mặt mày tái mét: “Anh ta…”
Tôi thản nhiên đáp: “Anh ta muốn giết tôi, anh ta đưa tôi đi đường này là để giết tôi.”
Tiếng ồn ào hỗn loạn, một tiếng rầm, tiếng hét của Phó Khải Thừa xa dần rồi im bặt. Cảnh sát Tống nhìn chằm chằm màn hình, một lúc mới thốt lên: “Cậu đã nhảy khỏi xe.”
“Ừ, ngay sau khi anh ta nói sẽ đẩy tôi xuống.”
Tôi liều mạng, lao ra khỏi chiếc xe đang chạy, lăn lộn trên đường, nửa người đã lơ lửng ngoài vực. Hai tay bấu chặt vào đá sỏi, tôi nghiến răng, cố hết sức kéo mình lên, một chiếc giày rơi xuống vực. Tôi nhìn theo, chiếc giày biến mất trong vực sâu thăm thẳm.
Trên đầu, mây đen vần vũ, một con kền kền lượn vòng. Nếu trời mưa, tôi chết chắc. Tiếng xe vẫn còn vọng lại, con kền kền lượn lờ trên đầu.
Tôi không nhớ mình đã bò lên bằng cách nào, chỉ biết đầu đầy máu, móng tay bật hết, nhưng tôi vẫn còn thở. Con kền kền đậu trên bụng tôi, tôi nằm im, cho đến khi chiếc Porsche rơi xuống vực, mưa bắt đầu rơi.
Cảnh sát Tống đặt điện thoại xuống: “Anh ta muốn giết cậu, nhưng phanh lại hỏng?”
Tôi không trả lời, hỏi ngược lại: “Cậu thấy có phải báo ứng không?”
Không đợi anh ta trả lời, tôi cười phẩy tay: “Cậu về đi, tôi mệt rồi.”
Chuyện bảy năm dài quá. Cái chết của anh ta, sự hồi sinh của tôi… Bảy năm của chúng tôi, con gái của chúng tôi, kẻ thứ ba của chúng tôi… Mỗi người một quả báo, phải kể cho rạch ròi, phán xét cho rõ ràng.
Cảnh sát Tống đi rồi, tôi nằm trên giường bệnh, cơn buồn ngủ ập đến, tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Tôi mơ một giấc dài thăm thẳm, mơ thấy lần đầu gặp Phó Khải Thừa.
Lần đầu gặp anh ta là ở sân trường, dưới dãy nhà học. Anh ta ngồi xổm bên bồn cây, khom lưng xuống, trong lòng anh ta có tiếng mèo kêu yếu ớt. Nhìn kỹ mới thấy, một con mèo nhỏ bê bết máu, nằm thoi thóp trong tay anh ta.
Vì tôi vốn mê mèo nên tôi chạy lại, ngồi xổm xuống đối diện,.
Anh ta giải thích: “Anh đi tìm giáo sư, thấy sinh viên vứt túi rác bên đường, nghe tiếng mèo kêu, mở ra thì thấy nó bị hành hạ dã man…”
Tôi tức đến run người, nước mắt cứ thế trào ra: “Trời ơi! Sao ác vậy!”
Phó Khải Thừa luống cuống lấy khăn giấy trong túi ra: “Đừng khóc nữa, đưa nó đi bệnh viện trước đã”.
Thế là chúng tôi cứu được một con mèo, đặt tên là Phúc Đa.
Trên đường từ bệnh viện về trường, tôi nói: “Tiền viện phí để em gửi anh một nửa”.
Anh ta lắc đầu: “Không có em, anh cũng cứu nó mà”.
“Vậy em thay Phúc Đa cảm ơn anh”.
“Muốn cảm ơn thì mai đi ăn trưa với anh nhé”. Anh ta dừng lại, quay mặt nhìn tôi: “Định rủ ăn tối, nhưng sợ em không tiện”.
Tôi hơi ngượng, nhưng vẫn gật đầu: “Được, em mời anh”.
“Không ngờ mình lại được đàn em mời ăn thế này”. Anh ta cười nói.
Hôm sau, định đi ăn với anh ta, nhưng giáo sư lại rủ ăn cơm. Tôi nhắn tin xin lỗi Phó Khải Thừa, không ngờ anh ta lại trả lời: “Trùng hợp thật, hôm nay giáo sư cũng mời anh ăn cơm, đang định báo với em.”
Thì ra Phó Khải Thừa là học trò của giáo sư tôi. Trên bàn ăn, giáo sư có ý se duyên cho chúng tôi, Phó Khải Thừa chỉ cười, chẳng làm ai khó xử. Nhưng rồi anh ta bắt đầu theo đuổi tôi.
Phúc Đa khỏe lại, chúng tôi cùng nhau nuôi nó. Phó Khải Thừa thương nó lắm, mua nào đồ ăn, nào đồ chơi. Phúc Đa nghịch ngợm, vậy mà anh ta chưa từng nổi cáu. Rồi tôi có thai, mẹ tôi lên ở cùng, cứ đòi vứt Phúc Đa đi.
Phó Khải Thừa lại bênh: “Mẹ, con với Nghiên Nghiên còn phải cảm ơn Phúc Đa làm mai mối cho bọn con. Nó là cục cưng của Nghiên Nghiên, không vứt được đâu.”
Lời con rể nói ra, mẹ tôi dù không vui, cũng không nhắc đến chuyện vứt mèo nữa.
Tháng thứ năm tôi mang thai, Phúc Đa chết.
Hôm đó, Phó Khải Thừa đưa tôi đi khám thai. Về đến nhà, thấy Phúc Đa nằm trong hộp, chết thảm thương.
Mẹ tôi bảo, thấy nó ăn vụng cá hộp, bà lấy chổi đánh vào đầu. Phúc Đa xù lông lên, chạy khắp nhà rồi kêu lên một tiếng, tắt thở.
Tôi động thai, suýt sảy. Phó Khải Thừa lần đầu tiên nổi giận, đuổi mẹ tôi về.
Những ngày dưỡng thai, Phó Khải Thừa xin nghỉ làm để chăm tôi. Nhưng tôi lúc ấy tóc rụng, người phù nề, tăng gần ba chục cân, bụng rạn nứt. Đêm nào cũng khóc, nhắm mắt lại thấy Phúc Đa bé nhỏ, mở mắt ra thấy cái bụng chằng chịt vết rạn, đôi chân sưng vù.
Phó Khải Thừa thức trắng đêm dỗ tôi ngủ, tắm rửa cho tôi, cắt móng tay, thoa dầu dưỡng thể… việc gì cũng tận tay anh ta làm.
Tôi thì nhạy cảm quá mức, chuyện bé xé ra to, làm anh ta mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, vậy mà anh ta chưa từng buông lời trách móc. Tôi tự trách bản thân lắm, nhưng chẳng làm sao kiềm chế được, nội tiết tố thay đổi thất thường, cứ động tí là cáu gắt với anh ta, toàn tại chuyện của Phúc Đa.
Rồi anh ta cũng chịu hết nổi, sợ tôi nhìn đồ vật lại nhớ, bèn đem những thứ của Phúc Đa đi vứt hết. Tôi thấy vậy thì làm ầm lên, nói những lời cay nghiệt. Ban đầu anh ta im lặng nghe, cho đến lúc không chịu được nữa, anh ta bật khóc: “Em yêu, anh thương em, nhưng anh mệt lắm rồi”.
Tôi nghe mà tim như thắt lại. Tôi đứng sững giữa nhà, bụng mang dạ chửa, răng cứ lập cập.
Khóe mắt anh ta đỏ hoe, nước mắt chảy dài, mặt mày tiều tụy mà ánh mắt lại kiên quyết lạ thường.
Tối đó, tôi lén lật gối anh ta, thấy một lọ thuốc ngủ. Tôi hoảng sợ khóc suốt đêm, anh ta luôn vì tôi, vậy mà tôi suýt chút nữa đẩy anh ta vào chỗ chết!
Sáng hôm sau, anh ta vẫn cười dịu dàng, bưng bữa sáng đến cho tôi: “Xin lỗi nhé em yêu, hôm qua làm em sợ rồi”.
Nhìn anh ta, quầng thâm đậm, môi khô nứt nẻ, mặt mày hốc hác gầy đi trông thấy… Tôi ôm chầm lấy anh ta: “Khải Thừa, em có lỗi với anh, lấy em là sai lầm lớn nhất đời anh rồi!”
“Em yêu, dù người ta nhìn em thế nào, dù em có ra sao, anh vẫn sẽ mãi yêu em”.
Người ta nhìn tôi thế nào, tôi thành loại người gì rồi, tôi không dám nghĩ nữa.
Tương lai anh ta vẽ ra cho chúng tôi, tôi phá tan tành bằng sự ngu dốt và lười biếng của mình. Anh ta động viên tôi ra ngoài làm việc, hòa nhập với xã hội, tôi cũng tự tay đập nát. Cả con mèo chúng tôi cùng nuôi, cũng vì gia đình chẳng ra gì của tôi mà chết thảm thương.
Tôi tự hỏi mình, Lữ Nghiên, mày đang làm cái quái gì vậy? Rốt cuộc mày còn chưa vừa lòng điều gì?
Phúc Đa chết, lòng tôi như rỗng hoác, Phó Khải Thừa hết lòng an ủi tôi. Một hôm, anh ta bế về một con mèo Chinchilla xinh đẹp, mắt nó long lanh như ngọc bích.
“Em yêu, trước anh vứt đồ của Phúc Đa là sai, giờ để nó ở cạnh em nhé?”
Tôi ngồi trên giường, như đứa trẻ làm sai, chẳng dám đưa tay ra: “Em sợ em nuôi không nổi…”
“Sao lại không nổi, em chăm Phúc Đa giỏi lắm mà.” Anh ta ngừng một chút, rồi nói tiếp: “Hơn nữa, nó sẽ lớn lên cùng con của chúng ta.”
Tôi vô thức xoa lên cái bụng rạn nứt xấu xí của mình. Ở đó, một sinh linh bé nhỏ đang lớn lên từng ngày.
Sinh Minh Tâm xong, Phó Khải Thừa quyết định nghỉ việc. Trước đó, anh ta xin nghỉ chăm tôi, công ty đã có ý kiến, có lần nửa đêm còn gọi anh ta tăng ca, anh ta phải ôm máy tính ra phòng khách.
Anh ta bảo sẽ nghỉ làm để khởi nghiệp, vì không gì quan trọng bằng tôi và Minh Tâm. Anh ta luôn nói: “Em yêu, bố mẹ anh mất sớm, em và Minh Tâm là tất cả của anh.”
Lúc mới bắt đầu, anh ta bận tối mặt tối mũi, đi sớm về khuya, có khi say bí tỉ. Anh ta thuê người về chăm tôi với con, nhưng tôi nào yên tâm, càng không dám nhờ mẹ lên.
Sau khi sinh Minh Tâm, tôi thấy rõ ràng trong mình có gì đó không ổn. Nhiều khi nhìn con bé, tôi vừa yêu vừa hận.
Lúc con bé ngủ, tôi thấy nó sao mà yếu ớt, cần cổ bé xíu như chỉ cần một cái siết nhẹ là gãy. Lúc con bé khóc, tôi lại thấy sợ, nó từng sống trong tôi, hút máu hút thịt của tôi để nuôi mái tóc tơ và móng tay cứng cáp.
Có khi đang cho con bú, nó nằm trong lòng, tôi lại đờ đẫn nhìn ra cửa sổ. Phó Khải Thừa thích tầm nhìn rộng, cửa kính tầng 29 bao trọn nửa thành phố, nhưng tôi chỉ muốn ôm Minh Tâm nhảy xuống.
Người tôi lúc nào cũng ám mùi tã bẩn, Minh Tâm thì khóc ngằn ngặt, chuông báo trên đầu giường réo inh ỏi nhắc tôi uống thuốc bổ, shipper giao hàng gõ cửa rầm rầm, mà con bé vẫn đang bú. Ngực tôi đau nhói, tôi như chai nước bị kẹt ống hút, chẳng còn chút hơi sức nào.
Tôi cứ nhìn chằm chằm ra cửa sổ, nhìn thẳng vào cái chết. Nhưng tôi không đủ can đảm, tôi với Minh Tâm là tất cả của Phó Khải Thừa, tôi và con chết rồi, anh ta biết sống sao?
Có khi anh ta đi tiếp khách về, ôm lấy tôi thủ thỉ: “Em yêu, không có em, anh làm tất cả cũng chẳng để làm gì”.
Công việc của anh ta đã tạm ổn, nhưng càng ngày càng bận, lại thêm bệnh dạ dày, tiếp khách nhiều nên bệnh càng thêm nặng. Tôi không nên vô lý, làm phiền anh ta nữa. Tôi không nên tham lam nữa.
Buồn cười thật, sau khi sinh Minh Tâm, tôi mới nhận ra mình như con thuyền không bến. Gia đình không còn là nơi nương tựa, còn dòng nước hôn nhân đã đẩy tôi đi quá xa.
Đôi khi giữa những ngày tháng ngột ngạt mà an phận này, tôi bỗng giật mình. Như vừa thay tã cho Minh Tâm xong, trời đã tối om. Như vừa quẳng mớ quần áo bẩn vào máy giặt, Phó Khải Thừa đã về. Như vừa rửa xong cái bát cuối cùng, một ngày lại trôi qua. Giật mình tỉnh giấc, tôi lại chẳng biết mình đang làm gì.
Sợ hơn nữa, khi quay lại nhìn, Minh Tâm đã bày bừa đồ chơi, thức ăn đổ tứ tung. Phó Khải Thừa bước vào thấy cảnh tượng ấy, thở dài rồi lê cái thân mệt mỏi dọn dẹp.
Tôi như đứa có tội, rụt rè bên cạnh: “Anh đi ăn cơm đi, để em dọn”.
“Thôi, anh dọn cho, em đi nghỉ đi”. Anh ta nói nhẹ tênh, nhưng chẳng nhìn tôi.
Tôi càng sợ hơn: “Anh đi ăn đi…”
“Lữ Nghiên, cơm đâu, em nấu chưa?” Anh ta ngẩng lên, bối rối nhìn tôi.
Còn tôi, tôi nhìn chằm chằm vào nồi cơm điện chưa cắm phích.
“Xin lỗi, em nấu ngay đây”. Tôi lí nhí.
“Đừng xin lỗi, Lữ Nghiên, anh không trách em”.
“Anh vừa gọi em là gì?”
“Lữ Nghiên”.
“Anh trước giờ luôn gọi em…”
“Lữ Nghiên, tỉnh lại đi, em làm mẹ rồi đấy”. Anh ta lạnh lùng cắt ngang lời tôi, bước vào bếp, xé một gói mì ăn liền ném vào nồi.
Căn biệt thự rộng thênh thang, chỉ còn tiếng nước sôi ùng ục. Không khí đặc quánh khiến tôi nghẹt thở, tôi hỏi: “Anh còn yêu em không?”
Anh ta không quay lại: “Đừng nghĩ linh tinh nữa, em đi nghỉ đi”.
Giữa im lặng, Minh Tâm bỗng oà khóc. Phó Khải Thừa tắt bếp, pha sữa, dỗ con.
Con bé lúc khóc cũng ti mẹ, nhưng sữa tôi ít quá, tâm trạng tôi lúc nào cũng căng thẳng. Chuyển sang sữa ngoài, nó lại lười ăn, khóc suốt ngày.
Tôi bước đến giật phắt bình sữa trên tay anh ta: “Phó Khải Thừa, anh làm cái trò gì thế?”
Anh ta đứng sững lại, ngạc nhiên nhìn tôi, không nói gì.
Tôi gào lên, tuyệt vọng: “Con em sinh ra, em muốn cho nó uống gì thì uống!”
Minh Tâm khóc đến nghẹn thở. Phó Khải Thừa cố kìm nén: “Em làm con bé sợ rồi… Ngủ đi em, ngủ đi em yêu.”
Tôi không muốn ngủ! Tôi không muốn ngủ! Hay là tôi muốn ngủ luôn… Ngủ một giấc không bao giờ tỉnh dậy nữa!
Tôi ngồi thụp xuống sàn, ôm đầu nghiến răng ken két, người run lên bần bật. Tóc tai rối bù, xơ xác, chẳng còn mượt mà như trước. Tôi đưa tay lên sờ chân tóc, khô cứng, rụng hết cả.
Tôi nói với Phó Khải Thừa: “Anh nhìn xem, anh nhìn đi! Em bị bệnh rồi phải không? Em chắc chắn bị bệnh rồi!”
Anh ta vẫn ôm Minh Tâm dỗ dành, đến khi con bé nín hẳn mới ngẩng lên nhìn tôi. Anh ta nói: “Em muốn anh chết đi đúng không?”
Tôi không biết, tôi chỉ thấy đau khổ. Có lẽ ngay từ đầu đã sai rồi, tôi không nên lấy chồng, càng không nên làm mẹ.
Nghĩ lại, Phó Khải Thừa cũng đã cố gắng lắm chứ. Sau khi sinh, vài lần anh ta cũng muốn gần gũi tôi, dù trong mắt chẳng còn chút ham muốn nào. Bụng tôi nhão nhoẹt, rạn nứt chằng chịt. Ngực thì sưng vù, gân máu nổi lên li ti, nhìn mà sợ.
Tôi chẳng dám để anh ta lại gần, cứ thấy người mình tanh tưởi mùi máu, đến tôi còn thấy buồn nôn. Thỉnh thoảng ho hắt hơi, lại còn són cả ra quần… Lúc đó, tôi chỉ muốn lủi đi như một con chuột nhắt.
Thân thể này, anh ta còn thiết tha gì nữa. Phó Khải Thừa vẫn vuốt tóc tôi y như ngày xưa, dù giờ đây mái tóc khô ráp lưa thưa. Anh ta an ủi: “Xin lỗi em yêu, không phải em hết hấp dẫn, mà là anh mệt quá thôi.”
Tôi quay mặt đi, lặng thinh. Anh ta nói dối vụng về quá, diễn cũng dở quá – ánh mắt anh ta rõ ràng nói với tôi rằng thân xác tôi đã hết quyến rũ rồi.
Đôi khi nhớ lại lúc mới yêu, thật ra tôi cũng không yêu anh ta nhiều đến thế. Ngay từ đầu, tôi đã không mê đắm Phó Khải Thừa. Chỉ là anh ta quá giỏi giang, quá tốt với tôi, theo đuổi tôi quá cuồng nhiệt, tôi mới gật đầu.
Nhưng giờ thì sao… Giờ nhan sắc tàn phai, tuổi xuân cũng qua, thi cao học trượt, chưa từng đi làm, tôi chỉ là một cây tầm gửi bám vào anh ta.
Lúc bên anh ta, tôi cũng tính toán thiệt hơn, mới quyết định gửi gắm cả đời cho anh ta. Tôi nghĩ mình sẽ thi đậu cao học, nhờ anh ta tìm việc ngon lành, có nhà cao cửa rộng, gia đình hạnh phúc.
Giờ nghĩ lại, ít ra nhà cao cửa rộng, gia đình hạnh phúc cũng đã có. Vậy nên những đêm lẽ ra phải tự hỏi mình có thật lòng yêu anh ta hay không, tôi lại tự hỏi rốt cuộc mình còn gì chưa vừa lòng nữa.
Bình luận về Chương 4