Chương 2
Trong phòng bệnh, cảnh sát Tống ngồi đối diện tôi: “Cậu thấy trong người thế nào?” Anh ta hỏi.
“Ổn rồi.” Tôi đáp.
“Vậy tôi hỏi cậu vài câu được chứ?”
Tôi cười: “Được, bạn học cũ.”
Anh ta khựng lại, nhìn đi chỗ khác, chăm chú vào cuốn sổ trên tay: “Đoạn đường xảy ra tai nạn là đường đất, dân làng làm từ lâu rồi, trong khi gần đó có đường cao tốc an toàn hơn. Cậu giải thích được vì sao không?”
“Khải Thừa bảo đoạn này cảnh đẹp, cũng đâu phải đường bỏ hoang, với lại anh ta lái xe giỏi lắm, tôi cứ nghĩ là an toàn”.
“Ý cậu là chồng cậu tự chọn đi đường đó?”
“Ừ, trong điện thoại tôi còn lưu tin nhắn anh ta bàn với tôi mà”.
“Cho tôi xem được không?”
“Được chứ”. Tôi đưa điện thoại, sẵn màn hình đoạn chat.
Anh ta lướt, rồi dừng lại: “Cậu lưu tên chồng là…”
“Bố Minh Tâm, Minh Tâm là con gái tôi”. Tôi cúi xuống, nhắc khéo: “Trên trang cá nhân của tôi có ảnh, cậu xem đi, con bé dễ thương lắm”.
Anh ta hơi lúng túng: “Tôi bận quá, có thời gian đâu mà lướt. Giờ ai chăm con bé?”
“Nó cũng đang nằm viện, bị bệnh”.
Anh ta sượng mặt, cúi xuống, giọng nhỏ hẳn: “Chia buồn nhé”.
“Không sao. Cậu còn hỏi gì nữa không?” Anh ta nhíu mày, ấp úng mãi mới hỏi: “Trước khi mất, chồng cậu có bảo hiểm với tài sản lớn, người hưởng chủ yếu là cậu, cậu biết chứ?”
Tôi gật đầu: “Tôi cũng mua nhiều bảo hiểm lắm, người hưởng là anh ta, với cả con gái tôi nữa”.
Mấy năm hôn nhân, công việc làm ăn của Phó Khải Thừa lên như diều gặp gió, cũng lắm rắc rối, nên anh ta mua cả đống bảo hiểm cho cả nhà.
“Cảnh sát Tống này, với gia đình khá giả như chúng tôi, mua thêm vài gói bảo hiểm cũng bình thường mà phải không?”
“Ờ thì, ờ thì…” Anh ta ngập ngừng rồi đổi giọng: “Vừa lướt trang cá nhân của cậu, thấy nhiều ảnh chụp chung quá, vợ chồng cậu chắc hạnh phúc lắm”.
“Dạo này chúng tôi đang tính đi du lịch kỷ niệm bảy năm ngày cưới.” Tôi đáp.
Tôi với Phó Khải Thừa quen nhau hồi anh ta học tiến sĩ. Lúc đó tôi chỉ là sinh viên năm ba vừa học vừa làm, thường phụ dọn dẹp văn phòng. Phó Khải Thừa hay đến tìm giáo sư hướng dẫn để bàn luận văn, rồi riết cũng quen.
Anh ta giỏi giang, đẹp trai, lại còn điềm đạm, nhẹ nhàng. Tôi cứ thế mà xiêu lòng, yêu anh ta lúc nào không hay. Gần đến ngày anh ta tốt nghiệp tiến sĩ, tôi cũng lo lắng chuyện xin việc, thì bỗng dưng nhận được tin nhắn của anh ta.
Anh ta nhắn: “Em yêu à, trường vừa gọi anh lên nói chuyện, bảo chuyên ngành của bọn anh thuộc lĩnh vực công nghệ cao, lại có bằng tiến sĩ nên hiếm lắm, ra trường sẽ được sắp xếp việc làm.”
Tôi vừa gửi hồ sơ xin việc đi, vừa gửi tin nhắn thoại chúc mừng anh ta: “Hay quá, em biết anh giỏi mà!”
Anh ta cười: “Em nghe anh nói hết đã. Trường nói anh được quyền bảo lãnh thêm một người nhà vào làm cùng, lại còn được cấp nhà riêng nữa.”
Tôi dừng tay gõ chuột, dò hỏi: “Người nhà?”
Giọng anh ta có chút trách yêu: “Đồ ngốc, anh đang cầu hôn em đấy, sao mà không hiểu?”
Tôi hét lên rồi vội lấy tay bịt miệng, tin nhắn thoại đang bật loa ngoài, ba đứa bạn cùng phòng đều quay ra nhìn.
Chắc tại thấy tôi im lặng, anh ta lại hỏi lần nữa: “Em yêu, lấy anh nhé? Cùng nhau làm việc, cùng nhau vun vén cho tổ ấm nhỏ của mình, được không em?”
Lúc này thì cả đám bạn cùng phòng cũng hét ầm lên theo tôi. Bọn nó bảo: “Lữ Nghiên, mày số hưởng thật! Kiểu đàn ông vừa đẹp trai, vừa thông minh lại còn chu đáo, chung tình, biết kiếm tiền, lãng mạn, đưa cả tương lai của mày vào kế hoạch cuộc đời anh ấy, mày đào đâu ra thế?”
Giữa tiếng ghen tị chí chóe của bọn nó, tôi chống cằm, kiêu ngạo nhắn lại: “Cầu hôn kiểu gì kì vậy? Nghi thức gì cũng không có!”
Anh ta nhắn lại ngay: “Nhìn xuống dưới đi em”.
Cả đám ùa ra ban công. Dưới kia, giữa ánh nến lung linh và hoa, Phó Khải Thừa đang quỳ gối, mỉm cười nhìn lên. Gió xuân tháng tư se lạnh, tôi mặc váy ngủ mỏng manh chạy xuống.
“Em yêu, lấy anh nhé?” Anh ta mở hộp nhẫn, giọng dịu dàng: “Anh xác định em là người của đời anh rồi”.
Tôi nhìn chằm chằm viên kim cương trong tay anh ta, chắc cũng phải 0.8 carat. Chợt nhớ mẹ tôi từng than thở, nhẫn cưới của bà chỉ 0.3 carat, hàng giả, lại còn xỉn màu.
Bà bảo: “Kiếm được ông nào mua kim cương bự cho mẹ, chắc bị người ta đánh mẹ cũng cười”.
Tôi chìa tay ra, chẳng chút đắn đo. Yêu nhau một năm, Phó Khải Thừa trói chặt tôi bằng chiếc nhẫn kim cương ấy. Chúng tôi ôm nhau dưới ánh nến và sao trời, xung quanh là những tiếng trầm trồ xuýt xoa. Cái tôi của tôi được thỏa mãn tột cùng, tôi nhắm mắt, nép vào vòng tay anh ta.
“Em yêu, học bổng năm nay của anh chỉ được có hai chục ngàn, cộng với tiền làm thêm hơn ba chục ngàn, chỉ đủ mua 0.8 carat thôi”. Anh ta vuốt tóc tôi, giọng nhỏ nhẹ hứa hẹn: “Anh sẽ cố gắng kiếm tiền, đổi cho em viên to hơn”.
Tôi siết chặt eo anh ta: “Em không cần kim cương, chỉ cần anh như kim cương, mãi mãi không đổi thay”.
Anh ta ôm tôi: “Dĩ nhiên rồi, mình sẽ bên nhau trọn đời, không bao giờ xa cách.”
Không lâu sau, tôi tốt nghiệp, dọn về ở hẳn trong căn hộ của Phó Khải Thừa. Anh ta được quyền bảo lãnh cho một người nhà cùng nhận việc, nhưng mà người nhà đó ít nhất phải có bằng thạc sĩ.
Thế là Phó Khải Thừa cứ động viên tôi thi lên cao học: “Cơ hội tốt như này, em yêu của anh thông minh thế, chắc chắn sẽ đậu thôi. Tiền sinh hoạt anh lo, em cứ ở nhà ôn thi, anh sẽ luôn bên cạnh em, rồi mình cùng làm việc.”
Bạn bè ai cũng bảo tôi số hưởng, không phải lo cơm áo gạo tiền, lại sớm tìm được ý trung nhân, anh ta còn lo lắng cho tương lai của cả hai.
Ừ, đôi khi lướt dòng thời gian, thấy người ta yêu xa rồi chia tay, vợ chồng cãi nhau chí chóe vì tiền nong, bạn bè chạy vạy khắp nơi kiếm việc làm, tôi thấy mình may mắn thật.
Ba đứa bạn cùng phòng chứng kiến màn cầu hôn lãng mạn của tôi, đứa nào cũng ghen tị.
A thuê nhà gặp lừa đảo, phải sống trong cái xó tối tăm không đèn đường, đi làm về mất ba tiếng đồng hồ. Tôi thì ở trong căn hộ được cấp của Phó Khải Thừa, một tầng hai căn hộ, hai phòng ngủ một phòng khách, đi bộ mười phút là tới trung tâm thương mại.
B xin việc khó khăn, thử việc không bảo hiểm, vất vả lắm mới được nhận chính thức, tuần nào cũng bị sếp mắng cho khóc. Tôi thì chỉ việc ở nhà ôn thi, không phải nhìn sắc mặt ai, chẳng phải lo nghĩ gì đến chuyện kiếm tiền.
Còn C, nó với bạn trai thuê nhà ở chung, cái gì cũng phải chia đôi, thèm ăn trái cây đắt tiền một tí cũng bị bạn trai cằn nhằn.
Phó Khải Thừa thì khác, lương tháng nào cũng đưa hết, chỉ giữ lại hai ngàn tiền tiêu vặt. Cơm nước toàn ăn ở công ty, hai ngàn đó, phần lớn dành cho những buổi đi chơi cuối tuần của chúng tôi. Tan làm là anh ta lại cặm cụi tìm nhà hàng ngon, phim hay, sợ tôi ôn thi áp lực, dắt tôi đi xả hơi. Lâu lâu có thưởng, anh ta lại mua quà, cái nào cũng đúng ý tôi.
Tôi lo cơm sáng cho anh ta, anh ta đi làm rồi thì lau dọn nhà cửa, chiều ra chợ mua đồ về nấu cơm tối. Anh ta đi làm vất vả, tôi chỉ muốn khi anh ta về nhà có cơm ngon canh ngọt, có chỗ nghỉ ngơi thoải mái. Vả lại, anh ta hiểu tôi lắm.
Tôi đã may mắn thế này rồi, còn gì mà phải lo nghĩ?
Có những hôm đau lưng, nằm vật ra sofa, xem ti vi rồi ngủ quên, tỉnh dậy lại phải lật đật đi chợ. Trên đường đi chợ cứ lơ ngơ, lơ ngơ rồi lại hối hận, đáng lẽ ra giờ đó phải học bài chứ, Phó Khải Thừa đang vất vả ngoài kia lo cho tương lai của cả hai, mình lại nằm ườn xem ti vi, đúng là đồ vô tích sự.
Nhưng mà việc nhà cứ như mớ bát đũa trong bồn rửa, sáng tới tối, làm mãi không hết. Nhiều khi xem ti vi cũng chẳng tập trung, đầu óc cứ để đâu đâu.
Năm đó, tôi thi trượt cao học. Tối hôm xem điểm, tôi ngồi thụp xuống sofa, khóc nức nở. Tôi nói với Phó Khải Thừa: “Em đúng là đồ ngốc, vô dụng! Anh lo cho em từng li từng tí, anh đã làm tất cả vì tương lai của chúng ta, anh đi chín mươi chín bước rồi… Vậy mà em lại vấp ngay ở bước đầu tiên!”
Lúc đó anh ta ôm tôi vào lòng, vừa lấy khăn giấy lau nước mắt cho tôi, vừa dịu dàng an ủi: “Em nói gì vậy, em không ngốc, không sao cả, thi lại là được.”
Hôm sau, anh ta dẫn tôi ra ngoài, hóa ra là đi nhận xe. Một chiếc Porsche đen bóng loáng, tôi cũng chẳng biết là loại gì, chỉ biết xe đứng tên tôi, trả thẳng những bảy trăm ngàn tệ.
Anh ta che mắt tôi, giọng hào hứng: “Em yêu, đoán xem anh tặng em gì nào? Định đợi em thi đậu cao học mới cho, nhưng thôi, coi như quà an ủi vậy.”
Anh ta bỏ tay ra, tôi nhìn thấy xe thì mừng quýnh, nhảy cẫng lên.
Chụp ảnh xong, cả hai đăng lên trang cá nhân, tôi được tám mươi mấy lượt thích, anh ta được một trăm hai mươi, kèm theo cả tá bình luận gato. Ngay cả mẹ tôi cũng lần đầu tiên bình luận: “Con rể giỏi quá 👍👍👍.” Còn bài của tôi, đợi mãi chẳng thấy bà thích.
Phó Khải Thừa ôm mặt tôi, nói: “Em yêu, đợi em thi đậu cao học, anh cũng sẽ đăng bài, anh muốn cho cả thế giới biết vợ anh giỏi giang như thế nào!”
Ừ, để xứng với anh ta, nếu tôi thi đậu… thì tốt biết mấy.
Thế là lại một năm nữa trôi qua. Năm đó, Phó Khải Thừa được công ty cất nhắc thăng chức, lương cũng tăng vù vù. Anh ta ngày càng bận, có khi làm đến tận khuya, đói meo mới về nhà. Tôi cuống cuồng dẹp sách vở ôn thi để nấu cơm cho anh ta, anh ta cũng chẳng phàn nàn gì.
Cho đến một hôm, anh ta đau dạ dày đến ngất xỉu, được đồng nghiệp đưa vào viện. Bác sĩ bảo anh ta bị đau dạ dày do ăn uống thất thường, lúc đó tôi thấy mình có lỗi quá. Từ đó về sau, chiều nào tôi cũng mang cơm đến công ty cho anh ta, hai giờ đi chợ, ba giờ nấu xong, bốn rưỡi đúng giờ mang đến quầy lễ tân.
Cứ thế, cô lễ tân quen mặt, nói với tôi: “Ngưỡng mộ thầy Phó ghê, có chị vợ đảm đang hết phần thiên hạ”.
Tôi cười trừ, đưa tay xoa vạt áo: “Người ta ngưỡng mộ tôi lấy được anh ấy mới phải. Anh ấy giỏi giang, đâu như tôi, thi cử còn lo ngay ngáy”.
Cô lễ tân nắm tay tôi thủ thỉ: “Thầy Phó còn bảo, đợi chị thi đậu nghiên cứu sinh sẽ kéo chị về đây làm, lúc đó mình là đồng nghiệp rồi!”
Tôi nghe mà lòng vừa phơi phới, vừa thấy ngượng ngùng. Đường về hôm ấy, tàu điện hiếm hoi có chỗ ngồi. Tôi tựa đầu vào cửa sổ, lướt dòng thời gian.
Đứa bạn bị lừa thuê nhà cuối cùng cũng tìm được chỗ ở, một căn hộ giữa lòng thành phố. Lương tháng sáu ngàn rưỡi, tiền nhà hai ngàn tám.
Đứa bạn khó khăn trong công việc giờ đi làm ở quán nước. Cùng học Khoa học sinh học với tôi, trường cũng khá, sao lại ra nông nỗi này.
Còn đứa yêu phải anh chàng bủn xỉn, chia tay rồi mà anh ta còn bắt nó thanh toán từng khoản trong ba năm yêu nhau, đến sủi cảo mẹ anh ta gói cũng tính từng đồng.
So với bọn nó, tôi cũng may mắn lắm rồi, phải không? Bọn nó hay nhắn tin than thở mệt mỏi, rồi lại bảo ngưỡng mộ tôi. Vậy tôi phải coi là may mắn lắm rồi, phải không? Còn gì mà không hài lòng nữa chứ?
Điện thoại rung lên, tôi giật mình thoát khỏi bóng mình trong tấm kính cửa, vội vàng mở tin nhắn. Là cô giáo đại học của tôi, bảo dọn văn phòng thấy tấm ảnh chụp chung hồi xưa, gửi cho tôi xem. Trong ảnh, cô giáo cầm bó hoa, tôi đứng cạnh, phía sau là cái băng rôn ghi “Hội thảo thành công tốt đẹp”, mặt ai nấy đều cười tươi rói, tự hào lắm.
Cô giáo nhắn: “Lữ Nghiên dạo này bận gì thế?”
Tôi thấy hơi ngại, nhắn lại: “Em đang ôn thi nghiên cứu sinh ạ”.
Cô giáo đáp: “Tốt quá! Cô thấy em có năng khiếu lắm, mong là chúng ta lại có duyên cô trò”.
Tôi không trả lời, vội tắt màn hình, tay run bắn. Người ngồi cạnh đưa tôi tờ khăn giấy, lúc ấy tôi mới biết mình đang khóc.
Phó Khải Thừa gửi ảnh hộp cơm tôi chuẩn bị, đặt ngay ngắn trên bàn làm việc của anh ta. Anh ta viết: “Đồng nghiệp ngửi thấy thơm cứ đòi xin sườn, anh không cho đâu, để họ ghen tị chơi”.
Tôi lau nước mắt, gửi lại ba icon trái tim. Tàu báo tới trạm, tôi đứng dậy xuống tàu. Chúng tôi, ai nhìn vào chẳng ngưỡng mộ, còn gì mà không vừa lòng nữa chứ?
Bình luận về Chương 2