Chương 9
Gần đến sinh nhật mười tám tuổi của tôi, nhà họ Thời ngỏ lời muốn làm lễ đính hôn cho tôi và Thời Niệm. Ba tôi nói với tôi bằng giọng điệu chẳng cần bàn bạc, như thể đó là chuyện đã được quyết định rồi. Tôi không đồng ý, nhưng cũng chẳng phản đối.
Từ dạo Tống Khinh dùng tôi để chọc tức Thời Niệm, tôi bắt đầu thấy ngượng ngùng mỗi khi gặp em. Vậy mà em vẫn như không có chuyện gì xảy ra, vẫn đối xử với tôi như xưa.
Hôm nọ đi leo núi về, em nhặt được một viên đá xấu xí, vẽ vời vài nét nguệch ngoạc rồi để trước cửa phòng tôi. Tôi từng khen trứng hấp ngon, sau đó mới biết là do em làm. Mùa hè tôi biếng ăn, em nấu trà mơ mang đến, cũng chẳng quan tâm tôi có uống hết hay không.
Một buổi sáng mùa đông, tôi nghe có tiếng gọi tên mình ngoài cửa sổ. Kéo rèm ra, tuyết phủ trắng xóa, nắng lạnh như cắt da cắt thịt.
Tống Khinh đội chiếc mũ len màu đỏ, đứng giữa hai người tuyết to tướng. Em vỗ nhẹ lên người tuyết có khuôn mặt méo xệch, mỉm cười với tôi rồi đi mất. Người giúp việc kể, Tống Khinh dậy từ sớm tinh mơ, mất cả tiếng đồng hồ để nặn người tuyết, chỉ để tôi nhìn thấy.
Tôi với ba ngày càng bất đồng. Ông muốn tôi lấy lòng Thời Niệm vì một vụ làm ăn, tôi không chịu. Trong lòng tôi thấy bức bối. Nhà họ Thời mấy năm nay tuy có vẻ đang phất lên, nhưng lại đi những nước cờ quá mạo hiểm, kiểu gì cũng thất bại. Ba tôi vì muốn đối đầu với mẹ tôi mà nhất quyết bám víu vào nhà họ Thời, thật không phải là một lựa chọn sáng suốt.
Sau khi lấy bằng lái, tôi thường lái xe ra đường núi vắng vẻ để đua. Không hiểu sao Tống Khinh lại tìm được tôi, lặng lẽ ngồi vào ghế phụ. Em ngồi im thin thít, đến khi xe dừng lại mới nôn thốc nôn tháo bên vệ đường.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy Tống Khinh sợ hãi đến vậy. Em nắm chặt tay tôi, giọng run run: “Chu Cảnh Đường, em xin anh, đừng bao giờ lấy mạng sống của mình ra đùa giỡn nữa…”
Lúc đó, tôi cứ ngỡ em lo lắng cho tôi. Nhưng mãi sau này, khi nhìn thấy tấm ảnh chụp chung của em và Chu Cảnh Trình, tôi mới hiểu, điều em sợ là không bao giờ còn được nhìn thấy khuôn mặt này của tôi nữa.
Hôm sinh nhật mười tám tuổi của tôi, tôi đã thẳng thừng từ chối đính hôn với Thời Niệm. Tôi nói rõ với ba tôi, nếu ông không muốn hôm đó chỉ có mỗi Thời Niệm xuất hiện rồi bẽ mặt thì đừng tổ chức lễ đính hôn làm gì.
Hôm đó tôi uống hơi nhiều, vào phòng nghỉ nằm. Tống Khinh bước vào, nhẹ nhàng lau mặt cho tôi. Ngửi thấy mùi hương sách vở thoang thoảng trên người em, tôi biết ngay là Tống Khinh. Em đứng gần tôi đến nỗi tôi nín thở.
Rồi em nói muốn hôn tôi.
Chính khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra, chỉ cần Tống Khinh đến gần, tôi sẽ không bao giờ có thể từ chối em.
Cũng chính ngày hôm đó, Thời Niệm nổi cơn tam bành, đánh gãy tay phải của Tống Khinh.
Tôi đứng ngoài phòng bệnh, nhìn Tống Khinh nằm mê man, người run lên bần bật. Thấy Thời Niệm, tôi gần như không suy nghĩ gì, vớ lấy bình cứu hỏa bên cạnh lao về phía cô ấy. Mấy anh bảo vệ giữ tôi lại.
Thời Niệm vừa khóc vừa nói: “Em hận Tống Khinh! Chu Cảnh Đường, chính anh hại cô ta! Anh đã hứa với em, chỉ cần em không để ba em ép Tống Khinh ra nước ngoài, anh sẽ đính hôn với em, vậy mà anh nuốt lời!”
Thời Niệm bị Tống Khinh chơi xỏ, để lại mấy vết sẹo nhỏ trên lưng.
Chuyện trẻ con, người lớn đều nhìn thấu cả.
Ba Thời Niệm vừa hút thuốc vừa cười nói với tôi: “Cảnh Đường à, con cũng biết chú chỉ có mỗi đứa con gái là Thời Niệm, sau này mọi thứ đều là của nó. Nó không vui thì phải có người chịu trách nhiệm.”
Tôi biết người chịu trách nhiệm mà ông nói chính là Tống Khinh.
Tống Khinh bị gãy tay, bà Tĩnh Như phải đứng ra dàn xếp với nhà họ Thời. Sau đó, Thời Niệm ra nước ngoài, còn Tống Khinh thì rời khỏi nhà họ Chu.
Tôi rất sợ gặp lại Tống Khinh. Em đã mất đi bàn tay phải, cả đời này không thể vẽ vời được nữa.
Tôi vừa đi học vừa bắt đầu đối phó với nhà họ Thời. Bà Tĩnh Như biết chuyện, không nói gì, lặng lẽ huy động tất cả các mối quan hệ để giúp tôi.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, một năm trôi qua. Tôi không gặp lại Tống Khinh. Một hôm, nhớ em quá, tôi lén lấy tấm ảnh cũ ra xem.
Lâm Cát, cậu bạn cùng phòng, đi ngang qua, thấy vậy liền trố mắt: “Úi chà, đây chẳng phải cô gái xinh đẹp, sáng rỡ, tuần nào cũng đến ngóng cậu hay sao? Sao thế cậu Chu, cậu xiêu lòng rồi à?”
Lúc đó tôi mới biết, suốt một năm qua, tuần nào Tống Khinh cũng đến tìm tôi.
Lâm Cát mê chụp ảnh, sự kiện gì cũng ghi lại. Cậu ta cho tôi xem ảnh: Tống Khinh ngồi ở góc sân bóng rổ, lặng lẽ nhìn tôi. Tống Khinh đội mũ, đứng từ xa xem tôi tranh biện. Thậm chí có buổi học, em ngồi ở hàng ghế cuối cùng, cũng đang nhìn tôi.
Tôi cố kìm lòng, không đi tìm em.
Hai năm nữa lại trôi qua. Tôi âm thầm lên kế hoạch, giấu mặt bày vụ đầu tư ra nước ngoài của nhà họ Thời. Kết quả, nhà họ Thời thua lỗ trắng tay.
Các mảng kinh doanh trong nước cũng liên tục bị khách hàng khiếu nại vì vấn đề chất lượng, uy tín trên mạng sụp đổ, hàng hóa tồn kho chất đống. Lại thêm chuyện trốn thuế, cơ quan thuế vào cuộc điều tra, khiến họ không thể vay vốn ngân hàng để xoay sở.
Tôi tranh thủ thời cơ, chuẩn bị mua lại tài sản ở nước ngoài của nhà họ Thời, nhưng vẫn còn thiếu hai mươi triệu. Ba tôi biết chuyện tôi đối đầu với nhà họ Thời, giận tím mặt, vì ông đã gắn bó với họ từ lâu. Ông tìm mọi cách gây khó dễ cho tôi.
Không ngờ, bà Tĩnh Như lại nhanh chóng giúp tôi lấp đầy khoản thiếu hụt đó. Bà nhẹ nhàng nói: “Khinh Khinh đưa đấy.”
Tôi nghẹn lời. Hai mươi triệu, với tôi chỉ là một khoản tiền xoay vòng trong kinh doanh, nhưng với Tống Khinh, đó là tất cả những gì em có.
Tôi chuyển nhượng ba mươi phần trăm cổ phần công ty cho Tống Khinh, nhờ bà Tĩnh Như đứng tên hộ. Dù sau này Tống Khinh không thể làm việc vì vấn đề ở tay, cả đời này em cũng không cần phải lo lắng gì nữa.
Cuộc chiến với nhà họ Thời, cuối cùng tôi đã thắng.
Thời Niệm gọi điện cho tôi từ nước ngoài: “Chu Cảnh Đường, anh thật tàn nhẫn. Bao nhiêu năm nay, anh dỗ dành em, ve vãn em, em cứ tưởng anh thật sự đã quên Tống Khinh và muốn bắt đầu lại với em. Không ngờ anh chỉ lợi dụng em để moi thông tin kinh doanh từ ba em. Giờ nhà họ Thời sụp đổ rồi, anh hài lòng chưa?”
“Thời Niệm, cô nói sai rồi. Chúng ta chưa từng bên nhau, nên không có chuyện bắt đầu lại.” Tôi cúp máy.
Thời Niệm làm ầm ĩ bên đó, giả vờ tự tử. Nhưng cô ấy không nỡ chết thật, cô ấy chỉ sợ mất đi cuộc sống nhung lụa mà thôi. Tôi vẫn đều đặn gửi tiền cho cô ấy, duy trì cuộc sống xa hoa của cô ấy, coi như là một sự bù đắp.
Ngày mọi chuyện lắng xuống, tôi uống say mèm trong quán bar. Cuối cùng tôi cũng đủ can đảm để đối diện với Tống Khinh. Em len qua đám đông đến đưa tôi về, vẫn nhẹ nhàng, điềm tĩnh như mọi khi. Giữa đêm khuya mà em vẫn nhớ mang theo nước mật ong và thuốc giải rượu cho tôi.
Lúc ấy, tôi chợt nghĩ, nếu Tống Khinh thật lòng yêu một người, chắc không ai thoát khỏi em.
Trên taxi, tôi lấy hết can đảm của cả cuộc đời để hôn em.
“Tống Khinh, mình yêu nhau đi. Em quên chuyện của Thời Niệm đi, cứ tốt với anh như thế này, được không?” Giọng tôi gần như van xin.
Chúng tôi đến với nhau, nhưng tôi luôn cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó. Tống Khinh đối xử với tôi rất tốt, rất tốt, nhưng trái tim em hình như chưa bao giờ đặt trên người tôi.
Sau khi đi làm, những buổi tiệc tùng xã giao khó tránh khỏi. Em chưa bao giờ để ý đến mùi nước hoa lạ trên người tôi, hay ai đã từng ngồi trên ghế phụ của xe tôi.
Thỉnh thoảng, khi về nhà muộn, tôi thấy em ngồi một mình trên sofa, nhìn vào ống đựng bóng quần vợt trống không treo trên tường.
Nghe tiếng động, em quay lại nhìn tôi. Thấy vết thương trên mặt tôi, em hốt hoảng: “Mặt anh làm sao vậy? Đi khám bác sĩ chưa? Có để lại sẹo không?”
Em chạm vào vết thương nhỏ trên mặt tôi, ánh mắt lo lắng không giấu được. Tôi ôm em, hít hà mùi hương quen thuộc, lòng bỗng thấy bình yên lạ.
Tôi đùa: “Bà Chu à, hình như em chỉ quan tâm đến cái mặt này của anh thôi nhỉ? Lỡ sau này mặt anh có mệnh hệ gì, em có xách vali bỏ đi không?”
Không ngờ câu nói đùa ấy lại thành sự thật.
Đến giờ tôi vẫn không sao diễn tả được cảm giác của mình khi nhìn thấy tấm ảnh em chụp chung với Chu Cảnh Trình.
Tôi chỉ biết đến sự tồn tại của Chu Cảnh Trình khi tôi mười mấy tuổi, và cũng từ đó mới hiểu những trận cãi vã nảy lửa giữa ba mẹ tôi suốt bao năm qua, cùng với những yêu hận cứ quấn quýt, chẳng thể nào dứt.
Tôi chỉ gặp Chu Cảnh Trình một lần, khi cậu ta đang bệnh rất nặng. Tôi xét nghiệm tủy phù hợp, nhưng tôi nhất quyết không hiến cho cậu ta.
Lúc đó, tôi kiêu ngạo đến mức chẳng buồn tìm hiểu về Chu Cảnh Trình, chỉ đến nhìn cậu ta một lần duy nhất.
Sau khi có được tấm ảnh kia, tôi sai người đến Đồng Thành điều tra về Chu Cảnh Trình, và nhận được ngày càng nhiều ảnh hơn.
Tống Khinh và Chu Cảnh Trình rất nổi tiếng ở trường trung học Đồng Thành, có rất nhiều người chụp ảnh họ.
Tống Khinh ngồi vắt vẻo trên yên sau xe đạp của Chu Cảnh Trình, miệng ngậm quả đào.
Trong tất cả các trận đấu quần vợt của Chu Cảnh Trình, Tống Khinh luôn ngồi ở hàng ghế đầu tiên, chăm chú nhìn cậu ta.
Một ngày hè mưa tầm tã, Chu Cảnh Trình che ô, nửa người ướt sũng, nhưng vẫn cẩn thận che cho Tống Khinh không bị ướt.
Lúc Tống Khinh đi trên bờ tường hoa cao, Chu Cảnh Trình tay xách cặp, tay còn lại chìa ra, sẵn sàng đỡ lấy em bất cứ lúc nào.
Chẳng trách Thời Niệm từng nói với Tống Khinh rằng cô ấy với tôi lớn lên cùng nhau, còn Tống Khinh chỉ là người đến sau, mà Tống Khinh chẳng hề tức giận. Thì ra, tuổi trẻ của em đã có Chu Cảnh Trình che chở, bên cạnh.
Ghen tị như lửa đốt, tôi bắt đầu dùng Thời Niệm để chọc tức Tống Khinh. Ở nhà, tôi cố tình bật loa ngoài khi Thời Niệm gọi điện. Tống Khinh ôm chăn, đứng đó, lặng lẽ nghe. Em không phản ứng, dửng dưng như không.
So với nỗi đau Chu Cảnh Trình gây ra cho tôi, Thời Niệm đối với Tống Khinh chẳng khác nào sợi lông hồng, nhẹ bẫng, chẳng hề hấn gì.
Tôi không chịu được, bỏ đi công tác ba tháng. Trong một lần say bí tỉ ở khách sạn, trợ lý của tôi lại để Thời Niệm vào phòng, để cô ấy chụp ảnh chúng tôi chung phòng.
Đêm đầu tiên về nước, tôi ngồi trong phòng khách, chờ Tống Khinh. Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc, từng vòng, từng vòng trong đêm vắng. Tôi tự hỏi, suốt một năm tôi lạnh nhạt, Tống Khinh đã trải qua bao nhiêu đêm dài chờ tôi, rồi khi tôi về, lại nhìn thấy những dấu vết tôi cố tình tạo ra, em sẽ nghĩ gì?
Tống Khinh về, trông có vẻ mệt mỏi, nhưng vẫn pha cho tôi một ấm trà hoa. Uống xong một ly, em lấy ra tờ thỏa thuận ly hôn.
Lúc ấy, mọi thứ như vỡ òa trong tôi. Tôi ký vào tờ giấy không chút do dự, rồi bỏ đi trong cơn giận dữ.
Nhưng tôi không đi xa. Tôi ngồi trong xe, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Tôi muốn quay lại nhưng lòng tự trọng không cho phép.
Mấy ngày sau, tôi cứ chờ Tống Khinh tìm đến. Tôi nghĩ em sẽ không nỡ rời xa khuôn mặt này của tôi, khuôn mặt giống Chu Cảnh Trình.
Nhưng tôi đã lầm. Tống Khinh, em đã quá mệt mỏi rồi.
Em dùng dư luận trên mạng, dồn Thời Niệm vào đường cùng, khiến cô ấy thân bại danh liệt. Em đứng trước mặt chúng tôi, vẫn điềm tĩnh như mọi khi. Thời Niệm so với em, chẳng khác nào một chú hề đang giãy giụa trong tuyệt vọng.
Tống Khinh, em thật tàn nhẫn, thật sự rất tàn nhẫn.
Em ôm tôi, nói muốn ly hôn vì không thể tiếp tục lừa dối tôi nữa, vì em nhận ra mình đã yêu tôi.
Ngày làm thủ tục ly hôn, tôi gặp tai nạn. Nằm liệt giường ba tháng trời, khi tỉnh lại, tôi chỉ còn là một bộ xương khô.
Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi giao công ty cho người khác quản lý, còn mình thì ở lì trong căn nhà của tôi và Tống Khinh. Mãi đến lúc đó tôi mới nhận ra, ngoài ống đựng bóng quần vợt treo trên tường, Tống Khinh chẳng mang theo thứ gì khi rời đi.
Hai năm sau, bà Tĩnh Như thấy tôi có vấn đề. Tinh thần tôi suy sụp, ngày nào cũng phải uống rượu, dùng thuốc mới ngủ được.
Cuối cùng, bà thương tình, đưa cho tôi địa chỉ của Tống Khinh.
Thì ra em đã về Đồng Thành.
Tôi lập tức bay đến Đồng Thành ngay trong đêm, rồi lái xe đến nơi em ở.
Tuyết rơi dày đặc. Xe tôi dừng lại bên ngoài khu nhà, nhưng tôi bỗng chùn bước. Ngồi trong xe, lòng tôi rối bời như tơ vò.
Bỗng có tiếng gõ cửa kính xe. Tôi hạ kính xuống. Một khuôn mặt nhỏ nhắn xinh xắn hiện ra trước mắt. Đôi mắt to tròn, đen láy nhìn tôi tò mò. Giọng nói trẻ con trong veo vang lên: “Xe ơi, chắn đường rồi!”
Tôi ngẩn người, nhìn cô bé không chớp mắt.
“Chu Cảnh Đường, anh đỗ xe chắn đường rồi, lùi lại đi.” Người đang bế cô bé cúi xuống nói với tôi. Giọng nói vẫn nhẹ nhàng, bình thản như ngày nào.
Tôi bước xuống xe, chân tay luống cuống.
Cô bé đội chiếc mũ len màu hồng, khuôn mặt tròn trịa, ngồi gọn trong vòng tay Tống Khinh, mắt nhìn tôi chăm chú. Nhìn một lúc, cô bé bỗng thổi phù một cái, rồi reo lên: “Ba ơi, ba kìa!”
Tống Khinh mỉm cười, lau nước miếng cho con: “Ừ, ba đó. Con gái giỏi quá, vẫn nhớ mặt ba.”
Tôi đứng chết lặng, không nói nên lời.
Tống Khinh đi được vài bước, rồi quay lại nhìn tôi: “Chu Cảnh Đường, anh bế con bé giúp tôi được không? Tay phải tôi hơi yếu, bế con bằng một tay mỏi lắm.”
Tôi bước tới, vụng về đón lấy thân hình mềm mại của con. Con bé tò mò sờ tai tôi, sờ môi tôi. Bàn tay nhỏ xíu thơm tho, mềm mại.
“Tôi định nấu canh sườn, dạo này con bé thích uống lắm.” Tống Khinh vừa đi vừa nói: “Tôi cứ tưởng anh đến muộn hơn chứ. Hôm nay tuyết rơi, không ngờ chuyến bay của anh không bị hoãn.”
Tôi theo Tống Khinh về nhà. Cánh cửa vừa mở ra, một luồng hơi ấm áp tỏa ra. Trên tường ở lối vào treo đầy ảnh, chủ yếu là ảnh của Tống Khinh và Chu Cảnh Trình. Tôi liếc nhìn, thấy có cả ảnh chụp chung của tôi và Tống Khinh nữa.
Con chỉ vào ảnh của Chu Cảnh Trình, rồi chỉ vào ảnh của tôi, bi bô: “Mẹ, chú, ba, con gái.”
“Rồi rồi, biết con gái thông minh, phân biệt được ba với chú rồi.” Tống Khinh đưa dép cho tôi, rồi bế con vào phòng khách.
Tôi đứng ở cửa thay dép, động tác có phần chậm chạp. Mọi thứ xung quanh cứ như một giấc mơ vậy.
Tống Khinh mỉm cười: “Lúc ly hôn, con bé mới ba tháng. Giờ đã hơn hai tuổi rồi, thời gian trôi qua nhanh thật.”
Không, thời gian chẳng hề trôi nhanh chút nào. Những ngày xa em, mỗi ngày dài như cả năm, từng giây từng phút đều là dày vò.
Trước khi đến đây, tôi đã định hỏi Tống Khinh, nếu ngày đó tôi biết chuyện của Chu Cảnh Trình, thẳng thắn nói rõ với em, thay vì lạnh nhạt, xa lánh em, rồi dùng Thời Niệm để chọc tức em, liệu chúng ta có thể có một kết cục khác không?
Nhưng tôi biết, không cần hỏi nữa. Tống Khinh đã bước qua những ngày tháng cũ rồi, chỉ còn lại tôi, mang đầy thương tích, chẳng thể nào lành lại được.
Đánh giá truyện
Đánh giá của bạn:
Bình luận về Chương 9