Tôi biết Chu Cảnh Đường thích tôi từ hồi nào nhỉ? Hình như là mùa hè năm tôi mười bảy tuổi, khi ấy tôi đang ngồi đọc sách trên chiếc xích đu trong vườn. Chu Cảnh Đường đang tưới hoa, bỗng dưng quay sang gọi tôi: “Tống Khinh! Ngẩng lên nhìn nè!”
Tôi ngẩng đầu. Chu Cảnh Đường đang phun vòi nước lên trời. Dưới ánh nắng, cầu vồng bảy sắc hiện ra, lung linh huyền ảo. Tôi reo lên thích thú, chạy tới đưa tay muốn bắt lấy nó.
Chu Cảnh Đường nhìn tôi một lát, rồi bỏ vòi nước xuống, chạy đi đâu mất.
Một lúc sau, anh ta quay lại, ném cho tôi khăn tắm, giọng điệu hờ hững: “Lớn rồi còn ham chơi nước.”
Chỉ dính chút nước thôi mà anh ta cũng chạy đi lấy khăn cho tôi. Nhìn vành tai Chu Cảnh Đường đỏ ửng, tôi biết chắc anh ta thích tôi rồi.
Thật ra Chu Cảnh Đường không phải người lãng mạn. Anh ta nóng tính, thiếu kiên nhẫn, lại còn hay tự cao tự đại nữa.
“Tống Khinh, đi chậm như rùa bò vậy!”
Mỗi lần leo núi, miệng anh ta cứ cằn nhằn, nhưng tay vẫn xách đồ nặng giúp tôi.
“Tống Khinh! Phiền chết được! Đừng có giục nữa!”
Sáng nào đi học, anh ta cũng cáu kỉnh vì phải dậy sớm. Có lần anh ta mắng đến nỗi hai cô giúp việc phải bỏ đi. Thế mà khi tôi gõ cửa, anh ta vẫn lầm bầm rồi chịu dậy.
Tôi nói với anh ta, nếu anh ta đi học trễ, thầy cô sẽ không phạt anh ta, nhưng sẽ phạt tôi. Nếu anh ta còn như vậy, tôi sẽ không đi học chung với anh ta nữa. Từ đó về sau, Chu Cảnh Đường không bao giờ ngủ nướng nữa.
Lên đại học, tôi thi đậu trường ngoài Bắc, còn anh học trong Nam.
Vì chuyện Thời Niệm làm tay phải tôi bị thương, thêm thái độ của nhà họ Chu khiến tôi rất buồn, tôi không muốn bà Tĩnh Như phải phiền lòng vì tôi, nên tôi dọn ra khỏi nhà họ Chu.
Từ đó, tôi và Chu Cảnh Đường ít khi gặp nhau.
Nhưng tôi vẫn nhớ anh ta, muốn nhìn thấy mặt anh ta.
Thế là, mỗi tuần tôi đều lén đến trường anh ta. Tôi xem anh ta chơi bóng rổ, xem anh ta hùng hồn tranh luận, xem anh ta lặng lẽ đến lớp… Cứ thế ba năm trôi qua.
Cho đến một đêm, tôi nhận được điện thoại của bạn Chu Cảnh Đường, bảo tôi đến quán bar. Đến nơi, tôi thấy Chu Cảnh Đường đã say mèm.
Anh ta ôm chầm lấy tôi giữa hành lang tối om, tiếng nhạc xập xình ầm ĩ. Trán anh ta chạm vào trán tôi, giọng anh ta thì thào: “Tống Khinh, em thích anh đến vậy sao? Mỗi tuần đều lén đến trường nhìn anh.”
Tôi không trả lời, chỉ đỡ anh ta, lấy bình giữ nhiệt trong túi ra, rót một ly nước mật ong thật to rồi đưa cho anh ta uống, sau đó lại cho anh ta uống thuốc giải rượu.
Tôi nắm tay Chu Cảnh Đường, dắt anh ta len qua đám đông cuồng loạn trong đêm, bước ra ngoài. Đêm lạnh, gió như cắt da cắt thịt. Chu Cảnh Đường im lặng đứng bên cạnh tôi chờ xe.
Khi xe đến, anh ta đẩy tôi vào ghế sau, rồi bất ngờ hôn tôi.
“Tống Khinh, mình yêu nhau đi. Em quên chuyện của Thời Niệm đi, cứ tốt với anh như thế này, được không?” Anh ta vùi mặt vào vai tôi, giọng nói trầm buồn.
Sau khi Thời Niệm ra nước ngoài, chúng tôi không còn nhắc đến chuyện tay tôi bị thương nữa. Nhưng giữa tôi và Chu Cảnh Đường, dường như vẫn còn một khoảng cách vô hình.
Chúng tôi cứ thế, lúc gần lúc xa, cho đến năm tôi hai mươi lăm tuổi.
Chu Cảnh Đường lấy ra một chiếc nhẫn, đeo vào ngón áp út của tôi, anh ta nói: “Tống Khinh, ai cũng biết em yêu anh như điếu đổ. Mình cưới nhau đi, giữ chặt lấy anh, đừng để ai có cơ hội chen vào nữa.”
Căn nhà tân hôn do anh ta mua, cũng do anh ta tự tay trang trí. Khi tôi dọn vào, tôi mới phát hiện ra mọi thứ trong nhà đều được sắp xếp y như trong mơ của tôi. Nhưng ngôi nhà trong mơ ấy, tôi chỉ kể với bà Tĩnh Như, chắc là Chu Cảnh Đường nghe lén được.
“Sao lại treo ống đựng bóng quần vợt ở đây?” Chu Cảnh Đường ôm vai tôi, nhìn cái ống trong suốt treo trên tường, nhăn mặt. “Anh ghét quần vợt, cũng chưa từng thấy em chơi bao giờ.”
Tôi im lặng, nước mắt chực trào. Bởi vì ngôi nhà trong mơ ấy, là ngôi nhà tôi muốn sống cùng Chu Cảnh Trình. Ống đựng bóng quần vợt kia, là để dành cho những quả bóng đã cùng Chu Cảnh Trình lớn lên. Mỗi lần thi đấu xong, anh đều nhờ bạn bè, huấn luyện viên, hoặc người hâm mộ ký tên lên bóng rồi cất giữ.
“Em không vui à?” Chu Cảnh Đường lay vai tôi. “Nếu em thích, anh sẽ chơi với em vài trận. Biết đâu nhìn em mặc đồ quần vợt, anh sẽ thấy môn này cũng hay ho.”
Ống đựng bóng quần vợt ấy vẫn luôn trống trơn, và tôi cũng chưa từng chơi quần vợt với Chu Cảnh Đường. Khi rời khỏi căn nhà đó, tôi chỉ mang theo ống đựng bóng.
Ngày đi nhận giấy chứng nhận ly hôn, Chu Cảnh Đường đến sớm hơn tôi. Anh ta đứng bên đường hút thuốc, trông tiều tụy hẳn. Thấy tôi, anh ta vội dập tắt điếu thuốc.
Tôi bước đến: “Xin lỗi, tôi đến muộn.”
“Là tôi đến sớm.” Chu Cảnh Đường nhìn tôi. “Em định rời khỏi đây thật sao?”
Tôi không trả lời. Trong mùa thu se lạnh và mưa bay lất phất này, con đường giữa tôi và Chu Cảnh Đường cuối cùng cũng đã đến hồi kết. Từ ngày quen nhau đến giờ, đã mười hai năm rồi.
Lần đầu gặp gỡ, anh ta là một chàng trai rực rỡ với khuôn mặt giống Chu Cảnh Trình. Lúc chia tay, đường nét của anh ta trong mắt tôi càng rõ ràng hơn, nhưng thực ra, anh ta chẳng giống Chu Cảnh Trình chút nào.
Rời khỏi cục dân chính, chúng tôi đi ngược chiều nhau. Không một lời tạm biệt, vì sẽ chẳng bao giờ gặp lại.
Vui lòng điền ID đăng nhập hoặc địa chỉ email. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo mật khẩu mới qua email.
Vui lòng đăng nhập để tiếp tục
Bình luận về Chương 7