Ngoại Truyện
1. Ba Hot Search
Hot search thứ ba: “Quân tử trả thù, mười năm chưa muộn”
Bài viết nổi bật: “Ê mọi người, tôi hóng dưa từ đầu tới đuôi nè. Nói thẳng ra là trả thù đó. Mười năm trước, bà cô giáo này túm đầu học sinh đập vào tường, mười năm sau học sinh thẳng tay chôn bà ấy vào tường. Đúng là quân tử trả thù, mười năm chưa muộn, haha.”
Bình luận:
“Nhưng mà, dùng từ này ở đây nghe sai sai sao á?”
“Có khi tôi biến thái thiệt, chứ nếu là tôi, tôi cũng làm y chang vậy đó. Bà cô đó gián tiếp hại chết bố mẹ người ta, hủy hoại cả đời người ta, cớ sao bả lại sống nhởn nhơ được chứ?!”
“Năm nay tôi gặp lại ông thầy đã phá nát cuộc đời tôi. Ổng còn chẳng nhớ tôi là ai nữa. Hôm đó tôi tức muốn điên, chỉ muốn lao vào cho ổng mấy cái tát. Mà con tôi, nó biết chuyện, lại an ủi tôi: ‘Bố ơi, cô giáo con dạy là phải biết thể hiện sự tức giận, mà phải biết thể hiện sao cho đúng nữa’. Tôi không muốn để loại người đó ám ảnh cuộc đời mình nữa.”
…
Hot search thứ tư: “Bạo lực học đường”
Bài viết nổi bật: “Giáo viên dạy dỗ học sinh cũng tính là bạo lực học đường hả??”
Bình luận:
“Sao không tính? Chủ thớt là giáo viên phải không? Có phải hay phạt học sinh lắm không??”
“Chủ thớt thì tôi không biết, chứ tôi là giáo viên nè. Học sinh bây giờ không ngoan như mọi người tưởng đâu, có đứa nghịch ngợm lắm, một đứa quậy là cả lớp loạn theo. Giáo viên có kinh nghiệm phải biết lập uy, trong đó có cả việc phạt học trò. Nhưng cô giáo trong vụ này thì đúng là quá đáng thật, tôi chỉ phạt đánh vào tay thôi, chứ chưa bao giờ tát vào mặt học sinh.”
…
“Nói thiệt, vẫn là do điều kiện giáo dục thôi.”
Trả lời: “Không hiểu, nói rõ hơn coi.”
“1. Chuyện bạo lực học đường thì ở đâu cũng có, trường nào cũng gặp, tôi không nói chuyện học trò đánh nhau, mà là chuyện giáo viên bạo lực với học sinh. Nhiều học sinh ở miền đông phải chịu đựng bạo lực bằng lời nói, kiểu như ‘em sinh ra đã ngốc thế này à’, ‘em như tờ giấy trắng, viết gì lên cũng không nhớ được’ gì đó, chứ ít khi bị đánh đòn. Nói chi học sinh, hầu hết phụ huynh ở miền đông đều không cho phép giáo viên tát con mình. Nếu có chuyện tương tự xảy ra, phụ huynh sẽ lập tức tố cáo giáo viên, tố cáo nhà trường, thậm chí còn liên kết nhau để kiện nữa. Vì vậy nên tình trạng này cũng ít hơn.”
“2. Nhưng nhiều phụ huynh ở miền tây lại khác, vì công việc (nói ra thì hơi khó), tôi cũng có đi nhiều nơi ở miền tây. Theo tôi thấy, khi gặp trường hợp giáo viên bạo lực học sinh, rất nhiều phụ huynh không bênh con mà lại quay sang trách mắng con mình. Kiểu như ‘sao người ta không đánh đứa khác mà lại đánh mày’, ‘không đánh không chừa’ vân vân. Tôi không biết bạn ở đâu, nhưng nếu ai ở miền tây, nhất là vùng Tây Bắc, cứ thử hỏi những học sinh từng bị bắt nạt xem, hỏi phụ huynh họ có biết chuyện không, sẽ thấy nhiều người chẳng hay biết gì cả. Ngay cả khi biết, phần lớn họ cũng không tố cáo như phụ huynh miền đông. Không phải họ không dám, không muốn, mà là họ không có ý thức đó.”
“3. Họ nghĩ thầy cô đánh học trò là chuyện thường tình. Học trò mà dám cãi lại thầy cô, dù chỉ là nghĩ trong bụng, cũng là hỗn láo, đáng bị đánh! Cứ thế, học trò biết kêu ai, ai bênh vực cho tụi nó?”
Hot search thứ năm: “Trường cấp hai XX”
Bài viết nổi bật:
“Tôi từng học trường này. Tuy không phải thầy cô nào cũng biến thái như Lưu Hiểu Na, nhưng chuyện tát học trò thì hầu như thầy cô nào cũng làm. Đúng vậy, thầy cô nào cũng từng tát học trò. Vì quan niệm ở đây là thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi mà. Không đánh thì không nhớ bài.
Hồi đó, trong lớp tôi có một bạn bị đánh rồi nhảy lầu tự tử. Bố mẹ bạn ấy khóc lóc vật vã trước cổng trường, lên tận văn phòng hiệu trưởng làm ầm ĩ. Thế nhưng, lúc bạn ấy bị đánh, bạn ấy kể với tôi rằng bố mẹ bạn ấy nói: Thầy đánh là muốn tốt cho con.
Vậy mà sau khi chuyện xảy ra, người ta lại bảo: Nó yếu đuối quá, trẻ con bây giờ nói một câu cũng không được.
Hôm nay tôi nói ra chuyện này không phải để tranh cãi, cũng không phải để nói thầy cô bây giờ thế này thế kia. Chỉ là… lúc đó, tôi ngồi trong lớp nhìn bạn ấy bị đánh, rồi thấy bạn ấy nhảy xuống, mà tôi không làm gì cả.
Mấy năm nay, mỗi lần nghĩ lại, tôi thấy áy náy vô cùng. Tôi muốn làm điều gì đó cho bạn ấy, coi như là chút bù đắp cho sự thờ ơ của tôi ngày trước. (Không cần trả lời)”
Bình luận: “Người dùng đã tắt bình luận cho bài viết này.”
2.
Chuyện lùm xùm quá nên cảnh sát mời hai người đầu tiên đăng video lên đồn, chuẩn bị tạm giữ mười lăm ngày. Nghe đâu, câu chuyện giữa hai người này với cảnh sát đại loại như thế này:
(Để giữ kín danh tính, hai người được gọi là 1 và 2)
Cảnh sát: Video này ở đâu ra?
1: “Trì Sính gửi cho tôi trước đó.”
Cảnh sát: “Cậu có biết việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào không? Hai cậu sẽ bị tạm giữ đó!”
1: “… Tôi tìm hiểu rồi. Tôi biết.”
Cảnh sát: “Vậy tại sao lại giúp cậu ta?”
1: “Tôi không giúp cậu ấy, tôi giúp chính mình. Tôi với cậu ấy học chung lớp. Tôi là đứa bị đánh nhiều nhất, gần như ngày nào cũng bị ăn đòn. Cuối cùng thì cũng lên được cấp ba, nhưng điểm số từ hạng trung rớt xuống bét lớp. Đáng lẽ tôi có thể vào trường tốt hơn.”
Cảnh sát: “Đợi đã, điểm kém mà cậu đổ lỗi cho cô giáo thì có vẻ không hợp lý lắm?”
1: “Điểm kém của tôi là do môn Văn!! Tôi nhìn thấy cô ta là sợ, kiểu sợ sinh lý ấy, anh hiểu không? Cứ đến giờ Văn là tôi muốn nôn, thật sự muốn nôn! Ngay cả khi nhìn thấy video mà Trì Sính gửi cho tôi, đối mặt với khuôn mặt gần như không còn hình người đó, phản ứng đầu tiên của tôi vẫn là sợ hãi!! M*!”
Cảnh sát: “Chú ý ngôn từ của cậu!”
…
Cảnh sát: “Tại sao cô lại giúp cậu ta?”
2: “Coi như là chuộc tội. Cậu ấy bị đánh đến mức đó, mà tôi vẫn ngồi đó cố gắng đọc sách.”
Cảnh sát: “Chưa đến mức phải dùng từ ‘chuộc tội’ đâu.”
2: “Nhưng tôi đã thờ ơ đúng không? Có lẽ trước đây tôi là một cô bé ngoan, nhút nhát yếu đuối. Nhưng bây giờ, chỉ là lên tiếng cho cậu ấy, điều này không khó với tôi phải không?”
Cảnh sát: “Gặp chuyện như thế này, cô nên báo cảnh sát ngay lập tức.”
…
3. Một Tiết Văn Trước Khi Cảnh Sát Đến
Trì Sính vừa giảng bài mới xong, cho học sinh năm phút chép bài, thì thấy mấy đứa nhỏ ở góc lớp cứ bịt mũi, mắt thì nhìn chằm chằm về phía cuối lớp.
Tan học, Trì Sính gọi mấy đứa vào văn phòng, hỏi: “Lúc học các em làm gì vậy?”
“Thưa thầy, Vương Đình Đình xì hơi! Hôi lắm ạ!”
“Đúng vậy!”
“Vâng thưa thầy! Hôi lắm!”
Cô bé Vương Đình Đình mặt đỏ bừng, lắp bắp: “Em không có! Các bạn nói dối! Em không có!”
Trì Sính nghiêm mặt, nhìn mấy đứa nhỏ đang bịt mũi: “Nhà vệ sinh ngay cạnh, hôi thế mà các em không ngửi thấy sao?! Còn nói bậy nữa là thầy phạt đứng trong nhà vệ sinh một tiết! Ngửi cho thật kỹ!”
Mấy đứa nhỏ cúi gằm mặt, lủi thủi đi ra. Chỉ còn lại Vương Đình Đình đứng đó, mắt rơm rớm nước, nói nhỏ với Trì Sính: “Thưa thầy, em không…”
“Ừ, thầy biết em không.”
Cô bé nghĩ đó chỉ là lời an ủi, chẳng nói gì thêm.
Trì Sính lại hỏi: “Vương Đình Đình, ngày mai họp phụ huynh vẫn là mẹ em đến à?”
“Vâng ạ, mẹ em nói mẹ sẽ đến.”
“Đổi thành bố em đi.”
“Ơ? Tại sao vậy thầy?” Cô bé ngơ ngác.
Trì Sính mỉm cười, nhẹ nhàng bảo: “Ngày mai khi mấy em kia thấy bố em là cảnh sát, chắc chắn sẽ không dám bắt nạt em nữa!”
Đánh giá truyện
Đánh giá của bạn:
Bình luận về Ngoại Truyện