Chương 4
Tôi tên là Trì Sính, năm nay 23 tuổi, chỉ học hết tiểu học, vậy mà lại đang đứng lớp ở trường cấp 2 xịn nhất thành phố. Nhìn lại cuộc đời mình, đúng là một con dốc dài thoai thoải xuống, và giờ đây, tôi đang đứng ở điểm thấp nhất, ngoái đầu nhìn về phía cuối con đường. Nhìn về ngã rẽ đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Tháng 9 năm 2012, tôi vừa tròn 13, tay bám chặt vạt áo bố, khóc không ra tiếng, chỉ có hai hàng nước mắt cứ lăn dài trên má, trông vừa tội nghiệp vừa ấm ức.
Ban đầu, bố tôi cứ khăng khăng bảo, học trường nào cũng là học, quan trọng là mình phải cố gắng. Bởi vì từ hồi bắt đầu đi học, thành tích của tôi luôn rất tốt, toàn điểm tuyệt đối. Nhưng chuyện tốt nghiệp tiểu học rồi vào trường cấp 2 nào lại được phân theo khu vực.
Nếu nhà ở gần trường tốt thì vào trường tốt, nếu nhà ở gần trường kém thì… xin lỗi, dù có đứng đầu khối, bạn cũng phải vào trường kém. Mà nhà tôi lại xui xẻo nằm ngay cạnh trường cấp 2 dở nhất thành phố.
Tôi khóc lóc, năn nỉ bố tìm cách chuyển trường, tôi nào muốn học ở môi trường đó đâu. Mấy đứa bạn học giỏi trong lớp tôi đứa nào cũng vào trường nhất cả rồi. May mà bố tôi thương con, cũng muốn tôi vào trường điểm.
Thế là cả kỳ nghỉ hè, bố chạy vạy khắp nơi, nhờ người quen, lo lót quà cáp, cuối cùng cũng xin cho tôi vào được trường nhất.
Bố còn khoe, lần này là nhờ vả trực tiếp cả thầy hiệu trưởng mới được đấy, xếp tôi vào lớp tuy không phải lớp chọn, nhưng cô giáo chủ nhiệm thì nổi tiếng lắm, bao nhiêu năm liền được giải Giáo viên xuất sắc, kinh nghiệm giảng dạy thì khỏi phải bàn. Bố dặn tôi phải cố gắng thể hiện cho tốt.
Cả tháng đầu tiên, tôi học hành chăm chỉ lắm, ăn cũng học, đi xe cũng học, về nhà cũng học. Phải biết trân trọng cơ hội mà bố tôi vất vả lắm mới kiếm được chứ. Nhưng nào ngờ đâu, cơ hội ấy chẳng mấy chốc lại biến thành một lưỡi dao sắc bén, cứa thẳng vào chúng tôi.
***
Ngay từ ngày đầu nhập học, chúng tôi đã thấy cô giáo chủ nhiệm nghiêm khắc tới mức vô tình.
Cô giáo đặt ra bao nhiêu là quy định, nào là đi học muộn là chống đẩy 100 cái, không làm bài tập là ăn ngay 10 cái tát, làm bài sai thì mỗi câu sai 10 roi. Chúng tôi cứ nơm nớp lo sợ, chỉ mong đừng lỡ chân phạm phải điều gì.
Rồi ngày ấy cũng đến, đúng một tháng sau ngày nhập học. Tối hôm trước học bài khuya quá, sáng hôm sau tôi dậy muộn mất nửa tiếng. Cứ thế cuống cuồng, vơ đại bộ quần áo nào gần nhất, vác cặp sách lên rồi chạy bán sống bán chết tới trường. Dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn muộn mất 5 phút.
Tôi vừa thở hổn hển vừa lo lắng nhìn cô giáo chủ nhiệm Lưu Hiểu Na.
100 cái chống đẩy ư? Tuần trước, cậu bạn cùng bàn vừa chống đẩy xong 100 cái, hôm sau đã phải xin nghỉ học rồi. Nghĩ đến thôi mà tim tôi đã đập thình thịch.
Cô giáo cứ như chẳng nghe thấy tiếng “Báo cáo” của tôi, mặc kệ cả lớp cũng đã nghe thấy. Không ai dám ngẩng đầu nhìn tôi lấy một cái. Đang lo lắng thì cô giáo tiến lại gần, khoanh tay đứng trước mặt, im lặng nhìn tôi. Cả lớp cũng dần dần im bặt.
Ánh mắt cô giáo đen kịt, nhìn mà thấy sợ. Tôi nhìn thẳng vào mắt cô giáo, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi, chẳng biết nói gì. Nhưng không nói cũng không được. Hay là cứ xin lỗi trước, biết đâu cô giáo sẽ bớt giận.
“Cô ơi… em xin lỗi, em dậy muộn, vì…”
“Á…”
Tôi hét lên một tiếng, mắt hoa cả lên. Cô giáo chẳng nói chẳng rằng, bất ngờ túm tóc tôi, lôi thẳng tới bức tường trước bàn đầu, rồi nắm đầu tôi đập mạnh vào tường.
“Cô ơi! Cô ơi! Em xin lỗi!!!”
“Rầm! Rầm!”
Một cái, hai cái.
“Cô ơi! A… cô ơi! Em xin lỗi!”
Tôi vùng vẫy, van xin, sợ quá! Nhưng người đằng sau hình như chẳng nghe thấy gì cả.
“Rầm! Rầm! Rầm!”
“Cô ơi! Cô Lưu! Em xin lỗi, em… á… em không dám đi muộn nữa, cô ơi!”
“Rầm! Rầm!”
“Em không dám… a!! Em không dám nữa đâu cô ơi, em không dám nữa!”
Sáng hôm tự học ấy, Lưu Hiểu Na, giáo viên chủ nhiệm của tôi, đã cho tôi một trận nhớ đời, kinh khủng nhất từ hồi tôi đi học tới giờ. Đầu tôi bị cô ta nắm lấy, đập vào tường không biết bao nhiêu lần. Dãy nhà học mới xây, bị trán tôi đập cho rơi cả mấy mảng vữa tường.
Tôi hoàn toàn không có sức phản kháng. Hồi đó, tôi chỉ là một học trò mới vào cấp hai, vốn đã kính sợ giáo viên. Với Lưu Hiểu Na, một giáo viên nghiêm khắc, tôi lại càng sợ hơn.
Tôi không thể cãi lại, bởi vì thầy cô có quyền phạt học trò, kỷ luật học trò, chứ học trò nào dám cãi, dám đánh lại thầy cô. Đó là hỗn láo! Tôi học giỏi, nên những điều này tôi hiểu từ sớm rồi.
Vậy nên, sau khi cô ta bỏ đi như chẳng có chuyện gì xảy ra, tôi nằm bẹp dưới đất một lúc cho tỉnh táo lại. Chóng mặt hết cả rồi.
Lúc sau, tôi mới mò mẫm nhặt những mảnh vữa tường rơi vãi bỏ vào lòng bàn tay, rồi loạng choạng ngồi vào chỗ, mở sách vở ra. Cuối cùng, tôi gục mặt xuống cuốn sách Ngữ Văn, rồi từ trên ghế trượt xuống đất. Hóa ra, cô ta đã làm tôi bị chấn động não. Mười hai tuổi đầu đã chịu cảnh này!
Nhưng đời tôi đúng là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.
Bố tôi, một người đàn ông hiền lành cả đời, khi biết chuyện đã tức giận vô cùng. Chưa kịp đến tìm giáo viên nói chuyện phải trái thì bố tôi đã lên cơn đau tim rồi đột ngột qua đời.
Mẹ tôi đau đớn đến tột cùng, thề sẽ đòi lại công bằng cho bố con tôi, nhưng mẹ bị chặn lại ngay cổng trường sắt đen sì, không tài nào gặp được cô ta.
Hồi ấy, internet có phát triển như bây giờ đâu, mẹ tôi chẳng biết kêu ai, chỉ còn biết gào thét trong tuyệt vọng.
Một tháng sau, sự việc mới có kết luận: Trì Sính, vì tội đánh giáo viên bị đình chỉ học, trong thời gian đó lại phát hiện hồ sơ học sinh có vấn đề, nên bị buộc thôi học luôn. Chỉ trong một ngày, trời đất như sụp đổ dưới chân mẹ con tôi. Mẹ tôi cũng ngã bệnh phải nhập viện.
Chiều hôm ấy, tờ báo của thành phố nhỏ bé của chúng tôi đăng những dòng chữ đen sì:
“Đàn bà ghen tuông thời hiện đại! Có là giáo viên chủ nhiệm của con trai cũng không tha!”
“Sự thật phũ phàng! Chồng không chịu đựng nổi, người vợ bị bỏ rơi ngất xỉu!”
“Chán cơm thèm phở! Số phận người vợ tào khang sẽ đi về đâu?!”
Cả thành phố bỗng xôn xao, ồn ào đến lạ. Mấy ông chồng thì được dịp lên mặt dạy vợ, đừng có ghen bóng ghen gió, đố kỵ lung tung, đến cả cô giáo cũng không tha. Giờ thì hay rồi, chồng chán ngấy đến tận cổ rồi.
…
Ba ngày sau, mẹ cũng bỏ tôi mà đi. Tôi bỗng thành đứa nhỏ bơ vơ, không còn nơi nương tựa.
Cả trường cấp hai gần nhà cũng không nhận một học trò dám đánh cô giáo. Họ hàng thì xa lánh, chỉ còn vài người tốt bụng dúi cho ít tiền, bảo tôi đi làm thuê kiếm sống.
Nhưng một đứa nhỏ 13 tuổi, biết đi đâu về đâu?
May sao, tôi gặp được ông chủ quán ăn tốt bụng, cho tôi vào bếp phụ việc, bao ăn bao ở. Nhờ vậy mà tôi sống được qua ngày.
Mấy năm sau đó, tôi làm đủ thứ nghề, chẳng quản ngại khó nhọc, vất vả. Cứ nhớ mãi lời bố dặn: “Khổ trước sướng sau con ạ”. Nhưng bố ơi, sao khổ mãi thế này?
Bình luận về Chương 4
BÌNH LUẬN