Xuân về hoa nở, đàn thỏ con ngày nào giờ đã lông mượt xù xì. Công việc hằng ngày của ta lại thêm một phần, đó là lựa cỏ non cho lũ thỏ con. Chúng rất kén ăn, so với lão bò còn kén chọn hơn. Năm con thỏ con đều khỏe mạnh, lớn nhanh như thổi.
Bà Hoàng mỗi lần đi ngang qua nhà, thấy ta đều cười hiền hậu: “Nhị Nương quả là khéo léo, đảm đang, sau này ai mà lấy được con chắc chắn có phúc, bà nhất định phải tìm cho con một nhà tốt!”
Ta chỉ biết cười trừ cho qua.
Ở trấn trên có một vị lão gia muốn ăn thịt thỏ, quản gia tìm đến tận nhà, mua hai con thỏ đực của ta.
Mẹ kế để lại một con đực, hai con cái. Sang hè, thỏ mẹ lại sinh một đàn thỏ con.
Cuối cùng, số bạc cho huynh trưởng đi học cũng đủ.
Tối hôm trước ngày huynh trưởng lên đường, mẹ kế gọi ba huynh muội quỳ trước linh vị của cha. Ngoài hương hoa, giấy tiền, còn có mấy túi bạc được đặt trang trọng.
Bà nhìn huynh trưởng, hỏi: “Con có biết số bạc này từ đâu mà có không?”
Huynh trưởng gật đầu.
“Vậy từ đâu mà có?”
“Là muội muội phát hiện heo rừng, bán được một khoản kha khá. Còn có mẹ, ngày đêm miệt mài đóng đế giày, thêu lụa kiếm tiền, cộng thêm tiền muội muội nuôi thỏ nữa.”
Mẹ kế nghe vậy, khóe mắt thoáng ửng hồng, đưa tay lau đi giọt lệ long lanh, nói: “Mẹ biết bạn cùng trường của con đều là con cháu nhà quan lại, phú thương, gia cảnh giàu có, chỉ mình con là con nhà nông, bọn họ thường hay xem thường con, chế giễu con ăn mặc rách rưới, cơm canh đạm bạc. Nhưng nhà ta chỉ có bấy nhiêu thôi, cho con đi học đã là dốc hết tâm can, may mà muội muội con cùng con bò kia may mắn, mới kiếm được chút bạc…”
“Con biết, mẹ.” Huynh trưởng mím môi, ánh mắt kiên định: “Con không quan tâm người khác chế giễu ra sao, bởi con biết lý tưởng của mình là gì, con sẽ chuyên tâm học hành, tương lai thi đỗ công danh, để mẹ, muội muội, đệ đệ đều được hưởng vinh hoa phú quý!”
“Con hãy thề trước linh vị của cha con đi.”
“Con, Chu Báo Đình, nhất định không phụ lòng mong mỏi của mẹ, muội muội, đệ đệ, nhất định chuyên tâm học hành, dùi mài kinh sử, thi đỗ công danh!”
Lời huynh trưởng dứt khoát, vang vọng trong căn phòng, khiến lòng ta chấn động. Huynh trưởng đã trưởng thành rồi.
Mẹ kế gật đầu, nói: “Sau thu sang khai giảng, con sẽ ở lại trường học, ta đã bàn bạc với thầy của con rồi.”
Thế là huynh trưởng rời nhà. Trong nhà bỗng chốc vắng vẻ hẳn. Bà Hoàng tới chơi, thở dài ngao ngán: “Muội à, sao lại vọng tưởng xa vời thế? Một đứa con nhà nông, học hành thi cử làm chi? Chi bằng để Đại Lang ở nhà phụ giúp, dành dụm ít tiền bạc, sớm ngày cưới thê tử cho xong!”
“Muội xem, giờ còn cho nó ở hẳn trường học! Theo ta thấy, đứa trẻ xa nhà là sinh hư, nhìn thấy thế giới bên ngoài hoa lệ, rồi lại chê mẹ nghèo, mẹ xấu, nhà nghèo cho mà xem.”
Cứ cách năm ngày, mẹ kế lại dẫn ta và đệ đệ, ăn mặc chỉnh tề, vào trường thăm huynh trưởng, đưa đồ ăn. Mỗi lần như thế, bà đều tự tay chuẩn bị một bát thức ăn thịnh soạn, gói ghém cẩn thận cho huynh trưởng, lại thêm bánh trái, dưa muối các loại. Có khi may mắn, ta và đệ đệ đi đào được lươn, bắt được cá nhỏ, bà cũng chia đôi, một nửa để chúng ta ăn, một nửa lại gói ghém cẩn thận, đưa cho huynh trưởng mang đi.
Bạn học của huynh trưởng, ai ai đều y phục lộng gẫy, gấm vóc lụa là, cử chỉ tao nhã đúng mực.
Thế nhưng mỗi lần nhìn thấy chúng ta, ánh mắt dò xét từ trên xuống dưới của bọn họ, khiến ta vô cớ muốn tìm chỗ trốn tránh.
Ta cảm thấy tự ti, xấu hổ, bởi bản thân không được như bọn họ.
“Báo Đình, đây là mẹ kế và muội muội của ngươi sao?” – Một vị công tử nho nhã, bên cạnh có tiểu đồng theo hầu, cất tiếng hỏi – “Nghe nói gia cảnh ngươi bần hàn, hay là để muội muội ngươi đến phủ ta làm a hoàn, thế nào?”
“Không cần.”
Huynh trưởng lạnh lùng đáp.
Vị công tử kia vẫn tiếp tục: “Vậy sau này ta sẽ thu muội muội ngươi làm thiếp, chắc chắn sẽ không thiếu tiền bạc cho nhà các ngươi, các ngươi cũng không phải khổ sở thế này, đứng ở góc tường, như kẻ ăn mày vậy, ngươi xem, người ta còn tưởng học viện của chúng ta, ăn xin cũng có thể đến học đấy!”
Ta thấy huynh trưởng siết chặt nắm tay, mỗi khi đánh nhau với đám trẻ trong làng vì chúng bắt nạt ta và đệ đệ, huynh trưởng cũng như thế này.
Nhưng đám người này, khác với bọn trẻ trong làng, nếu đắc tội, huynh trưởng có thể bị đuổi khỏi trường.
Một lát sau, huynh trưởng nhỏ giọng nói với ta và mẹ kế: “Con đưa mẹ ra cổng sau.”
Chúng ta tìm một nơi vắng vẻ, huynh trưởng áy náy nói: “Người vừa rồi là con trai của tri huyện, tên Vương Phong, huynh không thể đắc tội hắn. Xin lỗi.”
Mẹ kế dịu dàng nói: “Con biết nhìn xa trông rộng, mẹ rất hài lòng.”
Ta nắm tay huynh ấy: “Đợi huynh ngày sau công thành danh toại, nhất định phải đánh hắn!”
“Đánh hắn!” Đệ đệ hung hăng phụ họa.
Chúng ta nhìn nhau, rồi cùng bật cười.
Ta dường như có duyên với việc nuôi dưỡng động vật. Người khác nuôi thỏ, thường chết rất nhiều, nhưng thỏ ta nuôi không chết, cũng chẳng bệnh tật gì. Mẹ kế mua cho ta mười con vịt con lông vàng, mười con gà con, tất cả đều lớn nhanh như thổi.
Bà kinh ngạc nói: “Mẹ nuôi cái gì chết cái đó, ngay cả heo cũng chẳng dám nuôi, con thì khác, nuôi cái gì cũng thuận buồm xuôi gió.”
Ta nghe mà trong lòng tràn đầy tự hào. Số tiền ta kiếm được cho gia đình ngày càng nhiều. Mẹ kế bảo huynh trưởng ghi chép cẩn thận, nói là tiền của ta, tương lai huynh ấy phải trả lại cho ta, xem như của hồi môn.
Mẹ kế vẫn chưa cho đệ đệ đi học.
Các bà trong làng không còn lời ra tiếng vào nói mẹ kế độc ác nữa, mà ân cần dặn dò: “Đại Lang, Nhị Nương, phải hiếu thảo với mẹ con, mẹ con vì các con mà hy sinh rất nhiều.”
Ta ngoan ngoãn gật đầu, tay thoăn thoắt cắt cỏ. Lão bò vẫn như mọi ngày, thong thả gặm cỏ, thỉnh thoảng uống nước bên hồ. Lúc này, bà Hoàng còn đang thao thao bất tuyệt, bỗng từ xa có tiếng hô vang trời: “Chu Báo Đình đỗ cử nhân rồi!!! Làng ta có cử nhân!!!”
Vui lòng điền ID đăng nhập hoặc địa chỉ email. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo mật khẩu mới qua email.
Vui lòng đăng nhập để tiếp tục
Bình luận về Chương 6