Dưới Bóng Mẹ Kế - Chương 3
Về đến nhà, mẹ kế lấy ra bộ y phục mới may cho dịp Tết nhất, tỉ mỉ thay cho ta và đệ đệ, sau đó mới dắt díu nhau ra khỏi cửa. Bà cõng đệ đệ trên lưng, ta lẽo đẽo theo sau. Nhìn bóng bà gầy gầy, làn da rám nắng, bàn tay thô ráp vì dãi dầu sương gió, lòng ta chùng xuống.
Đến trường học tư thục, đợi mãi, đợi mãi, học trò đã về gần hết mà vẫn không thấy bóng dáng huynh trưởng đâu. Thầy đồ bước ra, nhìn thấy ba mẹ con, chỉ biết lắc đầu thở dài: “Trong đám học trò, vốn Chu Báo Đình là đứa lanh lợi nhất, ai ngờ dạo gần đây lại bỏ bê học hành!”
Mẹ kế nghe xong, sắc mặt u ám. Có học trò tốt bụng mách bảo, huynh trưởng giờ đây đang ở sòng bạc làm tiểu nhị, bưng trà rót nước hầu hạ người ta. Đến sòng bạc, quả nhiên thấy huynh trưởng đang đứng ở cửa cùng đám người bất hảo, hình như đang canh cửa. Mẹ kế vội vàng giao đệ đệ cho ta, xắn tay áo lên, hùng hổ xông vào.
Huynh trưởng vừa nhìn thấy bà, mặt mày hoảng hốt. Bà vội vàng véo tai huynh trưởng, mắng: “Mẹ tần tảo sớm hôm nuôi con ăn học, con lại giao du với đám người bất hảo này! Con đối xử với mẹ như vậy có xứng đáng không? Đối với cha con, có xứng đáng không?”
Mọi người xung quanh thấy vậy, đều dừng lại xem náo nhiệt. Mặt huynh trưởng đỏ bừng, tức giận quát: “Con không thích đọc sách! Con không muốn đi học nữa! Con muốn tự mình kiếm tiền!”
Huynh trưởng vùng vẫy, không muốn bị bà khống chế. Nhìn bà bị huynh trưởng giằng co đến lảo đảo, ta lo lắng vô cùng, sợ bà không chế ngự nổi huynh trưởng, vậy thì sẽ không ai quản được huynh ấy nữa. Bà quát lớn: “Nhị Nương, mau tìm cho mẹ một cây roi tre!”
Bên cạnh có người bán gùi, vừa hay có sẵn roi tre. Ta do dự cầm lấy, bởi ta giúp mẹ kế giáo huấn huynh trưởng!
Mọi người xung quanh chỉ trỏ bàn tán: “Ôi chao, cha chết rồi, mẹ kế muốn đánh chết con chồng đây mà! Chậc chậc, quả nhiên mẹ kế không có ai tốt!”
Bà trợn mắt: “Đưa roi cho mẹ!”
Ta run rẩy, vội vàng đưa cây roi tre cho mẹ kế. Mẹ kế vung roi, mỗi nhát đánh xuống đều dứt khoát, mạnh mẽ, miệng không ngừng mắng: “Mẹ đã bảo con không được học đòi hư hỏng! Còn dám làm càn nữa không hả?”
Đánh cho đến khi đám đông tản đi gần hết, huynh trưởng cũng bắt đầu khóc lớn, mẹ kế vẫn không dừng tay. Ta và đệ đệ chỉ biết ôm nhau khóc lóc thảm thiết, van xin: “Mẹ, xin mẹ tha cho huynh trưởng, đừng đánh nữa!”
Nhưng mẹ kế nào có nghe, ta bất chấp đau đớn, lao đến ôm lấy huynh trưởng, roi tre quất xuống người ta, đau thấu xương. Đệ đệ cũng òa khóc, ôm chặt lấy ta. Ba huynh muội ôm chặt lấy nhau, tiếng khóc thảm thiết vang vọng khắp con ngõ.
Mãi cho đến khi roi tre không còn quất xuống nữa, ba huynh muội mới run rẩy ngẩng đầu nhìn mẹ kế. Bà nhìn huynh trưởng, lạnh lùng hỏi: “Còn muốn tiếp tục hư hỏng, không chịu học hành nữa không?”
Mông huynh ấy đã rướm máu, run rẩy đáp: “Con… Con sẽ đi học…”
Để có thêm ngân lượng trang trải cuộc sống, mẹ kế đành lặn lội vào tận trấn trên nhận thêu khăn tay, đóng đế giày.
Huynh trưởng cũng quay lại trường học.
Mỗi đêm, bên bếp lửa bập bùng, mẹ kế lại tỉ mỉ kiểm tra bài vở của huynh trưởng. Thật ra, bà nào biết chữ nghĩa, chỉ là bắt huynh trưởng dạy lại cho ta và đệ đệ, còn bản thân thì miệt mài bên đống thêu thùa.
Có lần ta bắt gặp mẹ kế lén lút đếm từng đồng bạc lẻ, rồi thở dài thắt ruột. Tiền học của huynh trưởng, mỗi tháng ngốn hết một lạng bạc, gia cảnh như chúng ta, lấy đâu ra mà kham nổi.
Huống chi, huynh trưởng phải học ít nhất năm năm nữa, đến năm mười bốn tuổi mới được phép đi thi hương. Nếu lỡ không may danh lạc son bảng, huynh ấy vẫn phải tìm thầy theo học, trau dồi học vấn.
Một hôm, khi đại bá và tam thúc bàn tính chuyện ra sông đánh cá, vốn là công việc cha vẫn thường làm, mẹ kế liền ngỏ ý muốn đi cùng.
Đại bá và tam thúc ái ngại nhìn nhau, định bụng can ngăn, nhưng mẹ kế đã kiên quyết lên tiếng: “Đại Lang nhà muội phải đi học, cần có bạc.”
Đại bá khinh khỉnh buông lời: “Thật là viển vông! Đi học thì có ích gì, chẳng bằng ở nhà phụ giúp gia đình!”
Đại ca cùng nhị ca con trai của đại bá đều không được đi học, ngày ngày ở nhà phụ giúp việc nhà ruộng vườn, ruộng đất nhà đại bá được chăm sóc gọn gàng, không giống như ruộng nhà chúng ta, cỏ dại mọc um tùm, muốn nhổ cũng chẳng có sức.
Mẹ kế nhất quyết muốn đi. Bà là người rất cố chấp. Cố chấp muốn huynh trưởng được đi học.
Bà đi theo ba ngày, ngày nào cũng đánh cá đến tận nửa đêm mới về, hôm sau trời chưa sáng đã gánh cá ra chợ bán.
Huynh trưởng đi học, trên lưng cõng theo đệ đệ, ta giúp huynh ấy cầm cặp sách. Ta thật sự rất hâm mộ huynh ấy, những đứa trẻ khác đều phải làm việc, chỉ có mình huynh ấy được ngồi trong trường đọc sách luyện chữ.
Mẹ kế bán cá đổi được chút bạc, nhưng vẫn không đủ tiền học cho huynh ấy.
Hơn nữa, bà rất nhanh đã kiệt sức, phát sốt. Huynh trưởng muốn đi mời đại phu, mẹ kế không cho. Chúng ta nấu nước gừng cho bà, lại sang nhà đại bá xin ít rượu, xoa lên trán và sau tai cho bà.
Ngày hôm sau, rốt cuộc bà cũng hạ sốt, nhưng người lại không còn chút sức lực nào.
Đại bá và tam thúc thấy vậy cũng đến phụ giúp vài việc nặng nhọc. Ta đảm đương việc bếp núc, chăm nom đệ đệ, và cắt cỏ cho lão bò.
Nhiều khi, ta dắt lão bò thong dong gặm cỏ trên sườn đồi thoai thoải ven núi, đệ đệ lon ton chạy theo sau. Nghe người ta kể chuyện xưa tích cũ, rằng loài vật sống lâu năm đều là yêu tinh, có thể hóa phép ra vàng bạc châu báu, ta bèn ngửa mặt lên trời cao, cất tiếng gọi: “Có ai ở trên đó không?”
Rồi lại cúi xuống, vuốt ve lão bò: “Bò ngoan, hay ngươi hóa phép cho ta ít bạc đi?”
Lão bò vốn rất thân thiết với ta. Năm ấy, nó lâm bệnh nặng, tưởng chừng như sắp giã từ cõi đời, cha bỏ một món tiền nhỏ mang nó về, định bụng thịt nó làm bữa, nào ngờ nó lại dần khỏe lại. Cha thấy vậy cũng không nỡ lòng, cứ thế giữ nó ở lại. Từ ngày đầu tiên nó bước chân vào nhà, ta là người chăm sóc, cho nó ăn, tình cảm chẳng khác nào huynh muội ruột thịt. Nó rất nghe lời ta, ta nói gì, nó đều hướng ánh mắt về phía ta.
Ta cầu nguyện mãi, mẹ kế cũng khỏi bệnh, lại có thể ra đồng làm việc. Chỉ tiếc, chẳng có yêu tinh nào hiện hình, cũng chẳng có vàng bạc châu báu nào từ trên trời rơi xuống.
Một hôm, lão bò bỗng dưng không nghe lời ta, cứ thế rảo bước lên núi. Ta bực bội quát lớn, bởi tiết trời ngày một lạnh, ta chẳng muốn leo núi chịu rét chút nào. Nhưng lão bò vẫn phớt lờ, ta đành bất lực dắt theo đệ đệ, men theo dấu chân nó.
Đi mãi, đi mãi, cuối cùng nó cũng chịu dừng lại trước cửa một hang động tối om. Nó thò đầu vào trong, ra hiệu cho ta nhìn theo.
Bên trong hang động… là một con heo rừng to đã chết từ lúc nào!!!
Trời đất ơi! Phát tài rồi!!!