Ván Cờ Định Mệnh - Chương 3
Nhưng tựa hồ như ông trời đã định đoạt, chuyện gì đến ắt phải đến. Chưa đầy ba năm sau, Thẩm Khâm Dương xuất hiện.
Hắn đứng đó, phong thái ôn nhuận như ngọc, nhoẻn miệng cười với ta, đôi mắt cong cong tựa trăng non, cất tiếng hỏi: “Tại hạ là Thẩm Khâm Dương, xin hỏi cô nương có phải là Trang tiểu thư, Trang Cẩn Vân?”
Khi ấy, ta đang mặc y phục của tiểu thư, đội khăn che mặt, ngồi trong Tầm Phong Lâu vẽ tranh. Nơi đây, phong cảnh hữu tình, là chốn tao nhã mà các tiểu thư khuê các trong kinh thành thường lui tới. Tiểu thư biết ta say mê thư họa, nên thường tìm cách để ta được đến đây.
Hắn nhìn bức tranh trên bàn, nét mặt lộ vẻ vui mừng, rồi cúi người thi lễ: “Mẫu thân từng nói với tại hạ rằng đã chọn được một vị hôn thê, nhưng hôn nhân là chuyện cả đời, chỉ khi đôi bên tâm đầu ý hợp mới là tốt đẹp. Vì vậy, hôm nay tại hạ mạo muội đến gặp mặt, mong tiểu thư thứ lỗi”.
Ánh mắt hắn nhìn ta long lanh như ánh sao trời, nhưng hắn nhanh chóng nhận ra sự thất lễ của mình, liền cúi đầu, cầm bút lên, thêm vài nét chấm phá vào bức tranh của ta, rồi vội vàng cáo từ: “Hôm nay tiểu thư đã gặp qua tại hạ, nếu tiểu thư không chê, mong ba ngày sau có thể gặp lại tại đây”.
Nói xong, hắn lại ngập ngừng một chút, rồi nói tiếp: “Nếu tiểu thư không đến, tại hạ sẽ hiểu, và sẽ thưa với mẫu thân rằng chính mình không muốn, tuyệt đối không để tiểu thư phải khó xử”.
Trên bàn, hắn để lại một bức tranh, chỉ vài nét bút đã vẽ nên một cành đào yêu kiều.
Đào chi yêu yêu, chước chước kỳ hoa. Chi tử vu quy, nghi kỳ thất gia. (*)
(*) Dịch thơ:
Đào tơ mơn mởn xinh tươi,
Hoa hồng đơm đặc dưới trời xuân trong.
Hôm nay nàng đã theo chồng,
Nên bề gia thất ấm nồng thuận vui.
(Bản dịch của Tạ Quang Phát, nguồn thivien.net)
Bức tranh ấy như muốn nói, hắn đã đem lòng yêu ta, nguyện đón ta về làm thê tử, chỉ qua một lần gặp gỡ, một bức tranh, thậm chí chưa từng thấy rõ dung nhan ta.
Hôm ấy, đến cuối cùng ta vẫn không nói một lời. Hắn không biết ta là ai, nhưng ta lại biết rõ, tam lang nhà họ Thẩm, Thẩm Khâm Dương, thiếu niên tài hoa, phong thái như ngọc, chính là vị hôn phu mà phu nhân đã dày công tìm kiếm cho tiểu thư.
Lần đầu tiên, ta nói dối tiểu thư. Nàng hỏi ta dạo này sao cứ hay lui tới Tầm Phong Lâu, ta ấp úng đáp rằng xuân sắc ngắn ngủi, cảnh đẹp khó tìm, ta không muốn bỏ lỡ.
Tiểu thư nghe vậy, chỉ khẽ gõ lên trán ta, cười bảo ta nên đổi tên thành “họa si”, rồi đọc vài câu thơ ngâm nga, sau đó vẫn chiều chuộng để ta đi. Ta không dám để nàng biết, thứ ta ngắm nhìn không phải cảnh sắc non nước hữu tình, mà là một người bằng xương bằng thịt.
Chúng ta dùng thư họa làm cầu nối, gửi gắm tâm tư tình ý, chỉ cần vô tình chạm mắt nhau cũng đủ khiến má lúm đồng tiền hiện lên. Dù chẳng làm gì, chỉ cùng nhau ngồi ngẩn ngơ nhìn ra cửa sổ, cũng cảm thấy mùa xuân thật đẹp, đẹp đến mức chẳng muốn rời xa dù chỉ một khắc.
Ngày hoa đào rụng hết, Thẩm Khâm Dương bước vào gặp ta, gương mặt rạng rỡ niềm vui, ngay cả bước chân cũng nhẹ nhàng, phấn chấn khác thường. Hắn mỉm cười nói với ta: “Cẩn Vân, hôm nay mẫu thân ta đã đến nhà nàng để bàn chuyện hôn sự. Chúng ta sắp có thể ngày ngày bên nhau rồi”.
Một câu nói như sấm sét giữa trời quang, đánh thức người trong mộng. Ta giật mình quay đầu, cơn gió vô tình thổi qua làm rơi chiếc khăn che mặt.
Dưới lớp khăn voan mỏng manh, trên gương mặt phấn hồng, là một vết sẹo dài không thể che giấu.
Dù có chậm chạp đến đâu, hắn cũng hiểu rằng tiểu thư Trang phủ, dung nhan khuynh thành, không thể nào có khuyết điểm như vậy. Hắn sững sờ vài giây, cuối cùng hỏi ra câu mà ta sợ hãi nhất: “Nàng… rốt cuộc là ai?”
Ta không trả lời. Ta làm sao có thể trả lời? Chỉ có thể để lại cho hắn một bóng lưng, rồi vội vã rời đi.
Về đến phủ, ta ngã bệnh. Bệnh đến mức tiểu thư lo lắng, đêm nào cũng ở bên giường chăm sóc. Bệnh đến mức không còn nghe thấy bất kỳ chuyện gì bên ngoài cửa sổ. Bệnh đến mức khi gặp lại hắn, ta đã gầy yếu đến mức khiến người ta không nỡ trách mắng.
Hắn lẽ ra phải giận dữ nhìn ta, nhưng trong mắt hắn chỉ có sự đau lòng không thể che giấu.
Ma ma đi cùng hắn vui vẻ nói: “Con bé này bệnh ngay khi viện của tiểu thư bận rộn không ngơi tay. Con chắc chắn sẽ theo tiểu thư làm của hồi môn, còn không mau qua đây gặp mặt vị hôn phu”.
Từ xưa đến nay, lễ cưới hỏi có sáu bước: Nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, thân nghênh.
Hôm nay, hắn đến là để thỉnh ngày cưới.