Chương 3
Từ đó, ta bắt đầu kinh sợ chuyện sinh nở, sợ đến nỗi đêm nào cũng bị ác mộng quấy nhiễu.
Trong mộng, khi thì là mẹ, khi thì là dì Lương, gương mặt trắng bệch, bước chân nhuốm máu đỏ tươi.
Khi họ đến gần, dưới chân đã loang lổ một dòng sông máu đỏ thẫm, uốn lượn như rắn độc.
Một đứa nhỏ mặt mũi sưng phồng nổi lềnh bềnh trên dòng sông máu, bỗng cất tiếng gọi ta: “Tỷ tỷ”.
Nhưng thân là nữ nhân, ắt phải xuất giá tòng phu, ắt phải mang thai cốt nhục, ắt phải trải qua cửa ải sinh nở.
Ta nhìn xuống bụng mình ngày một lớn dần, trong lòng dâng lên nỗi sợ hãi mơ hồ, sợ rằng bản thân cũng chẳng sống được bao lâu nữa.
Bởi vậy, đến ngày lâm bồn, ta cắn chặt gốc cây, móng tay bấu sâu vào vỏ cây.
Ta chỉ biết giãy giụa trong tuyệt vọng.
Bỗng nhiên, một nữ nhân mang khăn che mặt đi ngang qua.
Nàng dừng lại trước mặt ta, lặng lẽ quan sát.
Một lúc sau, nàng lấy từ trong ống tay áo ra một khúc thân cây đen như mực, đút vào miệng ta.
Ta kiệt sức, không còn chút sức lực nào để phản kháng, vật kia vừa vào miệng liền tan ra, trôi xuống cổ họng, lan tỏa khắp tứ chi.
Trong nháy mắt, ta cảm thấy sinh lực tràn trề, như được hồi sinh.
Theo thói quen, ta sờ xuống bụng, bỗng phát hiện bụng đã phẳng lì.
Con ta biến mất rồi.
Nữ nhân kia nói: “Đứa nhỏ vô duyên với cô, dù có chào đời cũng chỉ là thai chết. Nếu cô cố chấp sinh ra nó, e rằng tính mạng khó giữ. Vậy nên ta đã thay cô bỏ nó đi.”
Lòng ta vừa cảm kích, vừa hoang mang: “Cô… là tiên nhân phương nào? Cớ sao lại cứu giúp ta?”
Nàng đã khuất xa, chỉ còn thanh âm: “Ta và cô, có một đoạn nhân duyên. Về sau, ắt sẽ rõ.”
Đó là lần đầu tiên ta gặp nhân sâm ngàn năm ấy.
Binh đao loạn lạc, lang quân của ta bị đám binh tàn ác bắt đi, xẻ thịt mà ăn.
Mười tám tuổi xuân xanh, ta đã sớm thành quả phụ, cũng chẳng muốn tái giá, hầu hạ nam nhân khác, sinh con cho người ta, nên quyết chí dấn thân vào nghề bà đỡ.
Người đời khinh miệt, gọi tam cô lục bà (*) là hạng tiện tỳ.
(*) Tam cô gồm ni cô, đạo cô và cô đồng. Lục bà thì có bà mối, bà đồng cốt, tú bà, bà lang, bà đỡ, và mẹ mìn.
Huống chi bà đỡ, ngày ngày lấm máu sản phụ, máu đứa nhỏ, đám nam nhân cho là xúi quẩy, làm vài năm, chẳng còn ai dám cầu hôn.
May thay, ta lại là người xuất sắc trong đám bà đỡ, người ta gọi ta là Vương Xảo Thủ.
Bởi lẽ, đôi bàn tay này, như thể được trời cao sinh ra để làm nghề này vậy: lòng bàn tay nhỏ nhắn, ngón tay thon dài, đặc biệt ngón trỏ và ngón giữa, còn dài hơn ngón áp út đến hai đốt.
Nữ nhân sinh nở, nếu là ca dễ, thì chẳng thể hiện được tài cán của ta.
Nhưng hễ gặp ca khó, ắt cần ta ra tay.
Ta sẽ luồn ngón tay vào, nhẹ nhàng xoay chuyển tư thế thai nhi, xoay cho đầu nó hướng ra cửa sinh, rồi hợp sức cùng sản phụ, đẩy đứa nhỏ ra ngoài.
Nếu thân thai nhi quá lớn, chẳng thể nào vượt qua được cửa sinh, ta cũng có cách.
Ta tự tay rèn một cây kẹp, hai đầu sắc nhọn, đưa vào cửa sinh, khéo léo xoay chuyển, xé nhỏ đứa nhỏ, rồi gắp từng mảnh xương, từng mảnh thịt ra.
Hì hục cả nửa ngày, gắp sạch xương vụn, máu đọng, mới coi như xong việc.
Việc này đòi hỏi thị lực, lực tay cùng kinh nghiệm nhiều năm, ấy cũng chính là tuyệt kỹ của ta.
Chỉ tiếc, gặp phải những ca thế này, gia chủ thường muốn ta dùng một nhát kéo cho nhanh gọn, giữ lại cốt nhục.
Nói đi cũng phải nói lại, lần này ta che giấu kín đáo, mang tiểu nhân sâm tinh về túp lều tranh.
Cánh cửa treo chuỗi gỗ lay động, một đứa nhỏ gầy gò đen nhẻm từ trong nhà lao ra, ra dấu với ta.
Ấy là nhóc câm ta nhận nuôi.
Năm ngoái, nó lưu lạc đến đây, thấy tội nghiệp nên ta cưu mang.
Tuy nó không nói được, nhưng sức vóc khỏe mạnh, việc bổ củi gánh nước đều không ngại khó.
Nhưng nuôi một đứa nhỏ tuổi này hao tốn lương thực, nên ta mới đến phủ họ Dương, mong kiếm thêm chút bạc.
Nào ngờ hầu hạ quý nhân không dễ dàng, nhất là dính líu đến chốn hậu trạch, chỉ chút sơ sẩy không những không được đồng nào, còn suýt mất mạng.
Ta lại mân mê mấy nén bạc được thưởng, nghĩ nếu tằn tiện cũng đủ cầm cự ít ngày.
Xoay người đặt gùi xuống, ta bế tiểu nhân sâm ra, bảo nhóc câm: “Đi múc cho muội muội con một gáo nước.”
Nó khoa tay múa chân, hình như chưa hiểu ý ta. Rồi, trước ánh mắt kinh hãi của nó, củ nhân sâm bỗng hóa thành đứa nhỏ, oà khóc.
“Chỉ là yêu quái thôi, có gì phải sợ?” Nhìn nhóc câm ngồi bệt xuống đất, mặt mày tái mét, ta bĩu môi, đã quên mất lần đầu tiên chính mình cũng sợ hãi đến mức hồn phi phách tán khi thấy tiểu nhân sâm.
Chiều xuống, cơm nước xong xuôi, ta trở về phòng thu dọn hành lý.
Từ y phục đến lương thực, kể cả mấy tấm gỗ treo trước cửa, tất cả đều được chuẩn bị kỹ càng.
“Chuyến này ra ngoài, ta đã vô tình gây ra chút rắc rối. Chúng ta phải đi thật xa, kẻo phiền phức tìm đến cửa.”
Nhóc câm gật đầu lia lịa.
Ta khóa cửa, ngoái đầu nhìn lại nơi này lần cuối – chốn dung thân mấy năm qua – rồi quay lưng bước đi.
Thiên tai nhân họa triền miên, dân chúng phiêu bạt khắp nơi.
Ta vốn đã quen thân phận trôi dạt, nay cũng chẳng biết bến đỗ là nơi nào.
Chỉ nghe phương Bắc vừa trải qua binh biến, vậy ta hướng Nam, tìm miền đất ấm áp mà dung thân.
Huống chi, tấm thân già này cũng kém chịu đựng giá lạnh.
Khi ấy ta nào hay biết, phía trước còn một kiếp nạn đang chờ đón.
Mấy người chúng ta, một bà già, một thiếu niên tuổi trăng tròn, cùng một tiểu nhân sâm quý giá.
Bởi vậy, đường mòn hoang dã thì không dám đi, e sợ mãnh thú rình rập.
Đại lộ cũng chẳng dám ngang nhiên mà bước, sợ phường binh phỉ hoặc thổ phỉ chặn đường cướp bóc.
Nam Bắc giao tranh hỗn loạn, tàn binh bại tướng chạy trốn, tụ tập thành bọn cướp, hoành hành ngang ngược.
Đường thủy cũng vậy, thuyền bè xa lạ tuyệt đối không nên bén mảng. Tục ngữ có câu: “Xa phu, thuyền chài, chủ quán trọ, phu khuân vác, người môi giới, kẻ nào cũng đáng tội chết”, đủ thấy chủ thuyền mưu hại cướp của giữa đường cũng không phải chuyện hiếm.
Thành ra đường đi phải hết sức cẩn trọng, tốn hao không ít thời gian.
Khi chúng ta lên đường, tuyết trời lất phất bay, phủ xuống mặt đất một màu trắng xóa như muối trải.
Đến khi vượt qua ranh giới, đặt chân đến phương Nam, cỏ cây xanh tươi, mặt hồ trong vắt gợn sóng lăn tăn.
Gió xuân thoảng nhẹ, hai đứa nhỏ tựa như nhành dương liễu đâm chồi nảy lộc, lớn lên trông thấy.
Nhóc câm đã mang dáng dấp một lang quân tuấn tú, còn tiểu nhân sâm tinh chỉ lăn một vòng đã hóa thành đứa nhỏ chừng ba bốn tuổi.
Ta thầm nghĩ: quả nhiên yêu ma quỷ quái, tốc độ trưởng thành nhanh hơn người phàm gấp bội phần.
Cùng với thân hình lớn dần, tính hiếu kỳ của tiểu nhân sâm cũng tăng lên, suốt ngày hỏi han đủ điều, nghịch ngợm không yên.
Nhóc câm có sức mạnh phi thường, ném lao bách phát bách trúng, thi thoảng kiếm được cá tươi cho ba người chúng ta. Tiểu nhân sâm thường lẽo đẽo theo sau, ánh mắt dõi theo từng cử động của nhóc câm.
Một hôm, tiểu nhân sâm hỏi: “Bà ơi, mẹ của con đâu?”
Chuyện này sớm muộn cũng phải nói rõ, ta bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Nhưng ta không quên dặn dò: “Về sau, con nên ít giao du với người phàm. Nếu chẳng may mang ơn người phàm, ắt sẽ chuốc lấy phiền phức.”
“Nếu con là yêu quái hung ác, ta cũng không bận tâm. Chỉ e con giống mẹ con, nhất mực báo đáp ân nghĩa nhân gian, rồi đánh mất cả tính mạng.”
Nó dường như hiểu được đôi chút, chỉ gật đầu.
Chúng ta lại tiếp tục hành trình mấy ngày, rốt cuộc cũng thấy được làn khói bếp mờ ảo phía xa.
Vậy là đã đến thôn làng.
Ta định dừng chân nơi đây bổ sung lương thực và nước uống, rồi lại xuôi Nam.
Chưa kịp bước thêm hai bước, tiếng ồn ào đã vọng lại.
Vòng qua khúc quanh, thấy một nữ nhân quỳ gối bên đường, xung quanh là đám người tiều tụy, vàng vọt: nữ nhân, trẻ con, còn có mấy người già tàn tật. Nam nhân tráng niên lại vắng bóng.
Trong lòng ta lấy làm lạ, không khỏi đề phòng.
Bất chợt, nữ nhân kia ngã quỵ. Một bà lão vội la lên: “Nhanh, đỡ lấy!”
Ta mang theo hai đứa nhỏ, vốn không muốn dính dáng thêm, nhưng thấy đám người luống cuống, chẳng biết làm sao, rốt cuộc cũng lên tiếng: “Để ta xem thử.”
“Bà là ai?” Một ông lão tàn tật cất tiếng hỏi.
“Ta là bà đỡ.” Ta vừa nói, vừa đưa đôi tay thon dài ra cho họ xem.
Bình luận về Chương 3
BÌNH LUẬN