Sau buổi đấu giá, tôi dẫn Giang Yến đi lấy món đồ. Kỳ thực, bức tranh đó chỉ để cho vui, do Thời Tự vẽ tôi từ hồi nào hồi nao. Cậu ấy chưa từng vẽ tôi, chỉ độc nhất bức này, mà đến cả mặt mũi cũng vẽ qua loa cho xong. Thời Tự vốn không học vẽ, thành ra tranh ảnh của cậu ấy chắc chắn không hợp gu Giang Yến.
Giang Yến cứ lẽo đẽo theo sau, chẳng nói chẳng rằng. Tôi dừng lại, nhìn xuống bàn tay đang buông thõng của anh. Vừa rồi lỡ tay làm vỡ ly, mu bàn tay trắng trẻo giờ đã khô lại, đầy những vệt máu vón cục. Tôi lấy khăn ướt trong túi ra lau cho anh.
Giang Yến nắm ngược lại tay tôi, đầu ngón tay nóng hổi. Anh cụp mắt xuống, che giấu vẻ ngang tàng thường ngày.
Tôi đợi hồi lâu mới nghe anh lên tiếng: “Thời Tự là ai?”
Tên tác giả bức tranh ký là Thời Tự. Vừa rồi Giang Yến phản ứng dữ dội vậy, chắc là nhận ra người trong tranh là tôi. Đôi khi, anh cũng tinh ý đến lạ.
Tôi tiếp tục lau vết máu trên tay anh, cẩn thận từng li từng tí: “Là con trai bạn bố em, bằng tuổi em, mà sức khỏe hơi yếu. Năm em mười bảy tuổi, Thời Tự lên Bắc Kinh chữa bệnh, ở nhà em một thời gian. Cậu ấy không biết vẽ, nên anh mua mắc rồi.”
Môi Giang Yến mím chặt, trắng bệch đến đáng sợ. Tay anh run run, không biết đang kìm nén điều gì, hình như không muốn nhắc đến cái tên Thời Tự nữa: “Cậu ta ở đâu?”
Tôi nắm lấy tay anh, đặt lên ngực mình, nhìn thẳng vào ánh mắt sâu hun hút của anh: “Ở đây.”
Tôi nói: “Thời Tự mất rồi, cậu ấy ở trong lòng em.”
Giang Yến đưa tay lên, bất ngờ tắt đèn. Xung quanh chìm trong bóng tối, chỉ còn le lói chút ánh trăng hắt vào từ ngoài cửa sổ.
Tôi thầm nghĩ, kiểu gì anh cũng nổi cơn tam bành, đập phá đồ đạc cho hả giận. Chắc bể cá cảnh đặt bên cạnh cũng không thoát nạn. Giang Yến vốn nóng tính, mà khi lên cơn thì còn dữ dội hơn người thường gấp mấy lần.
Thế mà tôi chờ mãi, chờ mãi, chẳng nghe thấy động tĩnh gì. Tôi đưa tay lên sờ mặt Giang Yến, thấy ướt nhẹp. Bất chợt, anh kéo tôi vào lòng, vùi mặt vào cổ tôi, giọng nghẹn ngào: “Trữ Doanh, em muốn sao mới chịu tha thứ cho anh?”
Tôi vỗ về, vuốt tóc anh, nhẹ nhàng nói: “Treo bức tranh đó đi. Đừng xé, nó mắc lắm. Treo trong phòng ngủ của anh, chỗ hồi trước treo ảnh đính hôn ấy.”
Giang Yến sững người. Anh vốn có tính chiếm hữu cao, nhất là sau khi đính hôn, ai dám léng phéng đến gần tôi là y như rằng bị anh xử đẹp. Nếu trong phòng ngủ của anh treo bức tranh Thời Tự vẽ tặng tôi, ngày nào anh cũng phải nhớ đến đêm hôm đó, coi như huề nhau.
Một lúc sau, Giang Yến mới khẽ đáp: “Được.”
Buổi đấu giá từ thiện, nhờ Giang Yến hào phóng chi tiền nên món nào cũng được chốt với giá cao ngất ngưởng. Cuối cùng, số tiền quyên góp được cũng kha khá, coi như thành quả cho khoảng thời gian tất bật chuẩn bị vừa qua.
Xong việc, tôi cùng tài xế ra về. Trên ghế sau có một bó hoa sơn trà. Tài xế cười gượng: “Cậu Giang Yến cứ khăng khăng nhét lên xe, tôi từ chối không được.”
Giang Yến luôn vậy, cái gì anh thích là sẽ nhét cho tôi cả đống, tặng hoa cũng y chang.
Tài xế theo tôi cũng lâu năm rồi, vừa lái xe vừa nói thêm: “Cậu Giang Yến thương cô lắm…” Rồi im bặt.
Tôi chỉ khẽ “ừ” một tiếng, nhìn bó hoa sơn trà trên đùi mình, ngoài cửa sổ, phố xá lướt qua vun vút. Tôi biết chứ, Giang Yến mãi là Giang Yến, ngang tàng, bất cần, phóng khoáng, như cơn gió không biết điểm dừng.
Tôi cúi xuống, ngắm những cánh hoa sơn trà. Thời Tự, mình phải bước tiếp rồi, cậu có buồn không?
Về đến nhà đã khuya, đèn đuốc vẫn sáng trưng, giúp việc đi lại rón rén. Tôi theo thói quen vào phòng khách, báo cáo với bố về buổi đấu giá. Cây gậy bố đặt cạnh ghế, chỉ cần với tay là lấy được.
Bố phất tay, đôi mắt nghiêm nghị, giống hệt mắt tôi, nhìn tôi chằm chằm: “Trữ Doanh, trước khi con đi, bố đã dặn dò thế nào?”
Tôi lặp lại y hệt lời bố, cả giọng điệu cũng không khác: “Nếu con làm hỏng chuyện hôn ước với nhà họ Giang, con biết hậu quả rồi đấy.”
“Vậy bức tranh ở buổi đấu giá hôm nay là sao? Tại sao tranh của Thời Tự lại xuất hiện ở đó?”
Bố vẫn còn nhớ Thời Tự sao? Tôi hơi bất ngờ.
Bố lắc đầu, giọng thất vọng: “Trữ Doanh, gia đình tốn bao nhiêu công sức nuôi dạy con, con là niềm tự hào của bố mẹ, vậy mà dạo này con cứ làm bố mẹ thất vọng. Đừng trách bố nghiêm khắc, chỉ có nghiêm khắc mới dạy dỗ nên người, mới xứng đáng với tình yêu thương bố mẹ dành cho con.”
Bố nhìn tôi, chờ đợi câu trả lời. Tôi ngoan ngoãn gật đầu: “Con biết rồi bố, gia đình luôn muốn điều tốt nhất cho con.”
Lần này bố không cầm gậy. Bố chỉ nói: “Dạo này con giao thiệp nhiều, để dì dẫn con vào phòng nghỉ ngơi một lát.”
Tôi ngẩng phắt đầu lên, hàng mi khẽ run. Bố mỉm cười: “Làm sai thì phải chịu phạt, đúng không con?”
Please enter your username or email address. You will receive a link to create a new password via email.
Bình luận về Chương 4
BÌNH LUẬN