Dược Sinh Hương - Chương 5
Từ năm bảy tuổi bắt đầu học y, năm nào ta cũng theo tổ phụ rời kinh chẩn bệnh miễn phí một thời gian.
Năm nay ta khởi hành sớm hơn nửa tháng.
Nhà thuốc chẩn bệnh miễn phí thường nằm ở nơi hẻo lánh khó tìm.
Trước khi ta đi khỏi Giang gia đã nhắn rằng vài tháng sau mới về.
Bệnh của Bùi Tế Viễn tạm thời sẽ không lấy đi mạng sống của hắn, chỉ gây đau đớn mà thôi.
Chuyến này ta ngụ trong rừng trúc tía ở Dương Châu. Bách tính xung quanh đến đây chẩn bệnh xếp thành hàng dài ngoài rừng trúc.
Rất nhiều người nơi đây sinh bệnh nhưng không thể chữa. Họ không có tiền để chẩn bệnh rồi mua thuốc, thế nên đành phải cố gắng chịu đựng.
Chỉ khi gặp được thầy thuốc chẩn bệnh miễn phí thì họ mới dám đến khám.
Cứ mỗi đợt chẩn bệnh miễn phí là ta phải bận bịu cả ngày, mãi đến khi trời tối mới được ngơi tay.
Tổ phụ dặn rằng, thầy thuốc không thể chỉ ngồi đọc sách y trong nhà cao cửa rộng. Kỵ nhất là lý luận suông trên giấy, phải bước chân ra khỏi nhà, tận mắt chứng kiến hàng trăm chứng bệnh trên cõi đời này.
Ta nán lại trong rừng trúc tía ba tháng. Bách tính xung quanh đều đem rau củ tự trồng qua, thật tình quá nhiều nên cuối cùng phải từ chối khéo ý tốt của họ.
Họ không biết những nhân vật trong kinh thành, càng không biết thù hận uẩn khúc của nhà quyền quý. Điều này khiến ta bỗng cảm thấy yên tâm, cứ như tất cả âm mưu và quy tắc lễ giáo đều không còn tồn tại.
Ở đây, ta không cần bị trói buộc bởi thân phận đích trưởng nữ của Giang phủ mà chỉ là một thầy thuốc.
Nhưng ngày tháng giản dị như thế này không kéo dài được quá lâu, cuối cùng vẫn đến ngày về.
Ta vừa vào kinh thành thì người của Bùi gia đã xúm lại, hoàn toàn chẳng để ta về phủ.
Trong lần gặp này, Bùi Tế Viễn không còn dáng vẻ thế tử tôn quý rạng rỡ như trước kia. Biến cố liên tiếp dụi tắt ánh sáng trong đôi mắt hắn, bệnh tật quấn thân khiến sắc mặt hắn trông trắng bệch.
Người trong phủ thưa hắn là Nhị công tử.
Hắn đỏ mắt, cuống quýt túm lấy tay áo ta: “Giang Yến Châu, nàng có cách, chắc chắn nàng có cách cứu ta đúng không?”
Ta nhìn bộ dạng thất lễ này mà hất tay hắn ra.
Hắn tựa người lên giường, đầu tóc rối bù. Hắn thấy ta tỏ thái độ thờ ơ bèn cười gượng: “Chắc là giờ này nàng đang cười thầm ta trong bụng… Ngày ấy ta trách nàng không chịu an phận thủ thường, hành nghề y khắp chốn. Ta thấy nàng không phân biệt nghèo hèn, ai cũng chẩn bệnh nên càng sinh thành kiến. Nhưng nay ta lại phải cúi đầu khom lưng cầu xin nàng.”
Ta im lặng một chốc, cuối cùng cất tiếng: “Năm xưa tổ phụ của ta dốc hết y thuật cả đời cũng không thể trị dứt bệnh của ngươi. Châm pháp do ông sáng tạo ra chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Thật ra hôn ước giữa hai phủ năm xưa là tổ phụ ngươi muốn con gái kế thừa y thuật của Giang phủ gả vào. Bởi vì muốn ngươi đỡ bị bệnh tật giày vò, rồi tìm cách trị tận gốc sau.”
Nghe vậy, hắn tỏ vẻ kinh ngạc, sau đó bật cười như hóa rồ: “Nàng đã biết chân tướng từ lâu nhưng vẫn vui vẻ thoái hôn là vì trông đến ngày ta chịu quả đắng như hôm nay ư? Trông ta ân hận về chuyện ngày trước ư?”
Hắn nghĩ nhiều rồi.
Ban đầu ta chỉ muốn thoát khỏi hắn mà thôi. Việc hắn có hối hận hay không chẳng phải chuyện mà ta nên để tâm.
Ngoại trừ ta ra, trong Giang gia không hề có ai khác kế thừa y bát của tổ phụ.
Phụ thân một lòng một dạ với con đường làm quan, không hề bỏ công sức vào y thuật.
Trước khi tổ phụ qua đời, ông đã nói ta hay rằng, ngày xưa ông chưa thể trị dứt bệnh của Bùi Tế Viễn. Có lẽ chỉ giúp hắn vô lo mười năm, quãng đời còn lại vẫn phải làm bạn với thuốc thang.
Hôm ấy Bùi Tế Viễn nói sai rồi. Hắn cho rằng Tuyên Bình Hầu đời trước định hôn ước với Giang gia vì nhớ ơn cứu mạng năm xưa. Nhưng hắn suy nghĩ quá nông cạn, tất cả mọi việc làm của tổ phụ hắn đều vì nghĩ cho tương lai mai này của hắn.
Tiếc rằng lựa chọn sau này của Bùi Tế Viễn đã đi ngược lại với ước muốn ban đầu.
Nay quả đắng chỉ mới thoạt thành hình mà thôi.
Người dẫn ta vào phủ là thuộc hạ của Tuyên Bình Hầu, tức là ông ta chưa từng từ bỏ đứa con trai này.
Hôm nay ta không cách nào từ chối.
Ta lấy kim châm ra, từ từ châm tám cây vào huyệt vị liên quan. Sắc mặt của Bùi Tế Viễn đồng thời chuyển biến tốt hơn phần nào, nét mặt đau đớn dịu đi. Hắn tựa vào gối, thở phào một hơi, trán đổ đầy mồ hôi. Sau đó hắn dần dần chìm vào giấc ngủ.
Nghe người hầu nói hắn bị mất ngủ do cơn đau kéo dài nhiều ngày nay.
Bộ châm pháp này chung quy chỉ giải quyết phần ngọn chứ không trị dứt điểm gốc rễ. Ngày xưa tổ phụ cũng đánh cược, mong phần may mắn nhỏ nhoi ấy sẽ xảy đến với Bùi Tế Viễn, rằng cả đời sẽ không tái phát bệnh.
Nay tình thế buộc ta phải châm cứu. Nhưng châm cứu chỉ làm triệu chứng bệnh thuyên giảm, không thể trị gốc rễ.
Khi Giang Chiếu Ảnh chạy đến thì đúng lúc nhìn thấy cảnh này. Chiếc khăn tay bị nàng ta vặn đến mức biến dạng, song nàng ta chỉ có thể bất lực đứng nhìn ở một bên.
***
Người đưa ta về phủ là Cố Hàm Chương.
Đúng lúc ta muốn nói chuyện với chàng.
“Huynh nhắc lại chuyện hôn ước trước mặt bệ hạ là đang lấy oán trả ơn ta đấy.”
Chàng tỏ vẻ ngạc nhiên trước câu nói thẳng thừng của ta.
“Tại sao? Ta không muốn nàng bị người trong kinh cười nhạo.” Ánh mắt chàng chất đầy vẻ khó hiểu.
“Sở dĩ vợ chồng bất hòa là vì oán hận và căm ghét, ấy đáng sợ hơn lời đồn đại của người đời nhiều. Nếu đã không có ý với nhau thì mối hôn sự này hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì.”
Chàng im lặng hồi lâu rồi nói: “Mai này nàng sẽ phải gả cho người ta. Dù sao cũng là gả, sao nàng biết đôi ta không phải lương duyên.”
Câu nói này vô tình đâm vào nỗi đau trong ta.
Dù sao cũng là gả, dường như bất kể ta tính toán như thế nào thì ta chỉ có mỗi một con đường về. Người đời mong nam nhi chí tại bốn phương. Nhưng phận nữ nhi chỉ có một con đường giúp chồng dạy con.
Ta không sẵn lòng chọn con đường này, ta muốn đi trên con đường thuộc về riêng mình.
“Nếu như ta không muốn gả cho bất kỳ ai thì sao?”
Có lẽ đây là lần đầu tiên chàng nghe câu nói như thế này.
Chàng nhìn ta bằng ánh mắt nghi hoặc.
“Ta mong mình sẽ trở thành thầy thuốc đi khắp bốn biển, thử hết mọi vị thuốc, chữa trị bách bệnh. Mà không phải nữ tử bị vây quanh bởi bốn bức tường, cả đời làm cái bóng rồi phụ thuộc vào trượng phu. Nơi ta đặt chân tự có giá trị của ta, chứ không phải dựa vào giá trị của phu quân.”
Đối với họ, luận điệu của ta trái với lẽ thường, thế gia vọng tộc ắt hẳn không tài nào chấp nhận ta.
Chưa chắc chàng có thể hiểu được suy nghĩ của ta. Ta cũng không muốn nhiều lời.
Thế gia như phủ Tuyên Bình Hầu có quá nhiều trói buộc, cũng có quá nhiều bí mật.
Cố Hàm Chương hẳn đã giở thủ đoạn trong chuyện Bùi Tế Viễn tái phát bệnh cũ.
Lúc sắp đến Giang gia, ta thuận miệng nhắc đến thái độ đáng ngờ của Tuyên Bình Hầu.
Cố Hàm Chương đưa mắt nhìn về phương xa, thờ ơ nói: “Bùi Tế Viễn là con riêng của ông ta chứ chẳng phải con của Lục Trạch. Hôm ấy Lục Trạch thừa nhận tất cả chỉ vì bỏ xe giữ tướng mà thôi. Âm thầm ra tay trừ khử, lén đổi thế tử vốn là mưu kế mà ông ta bày cho Lục Trạch.”
“Ông ta” ở đây hiển nhiên là chỉ Tuyên Bình Hầu. Chẳng trách chân tướng sáng tỏ rồi mà Tuyên Bình Hầu vẫn bênh vực Bùi Tế Viễn.
Nhưng đối với công chúa Hà Dương thì đây lại là đả kích trí mạng. Bà bị người đầu gối tay ấp lừa gạt hơn hai mươi năm, con trai ruột lưu lạc xứ người, khổ cực qua ngày. Trong khi đó con trai của kẻ khác lại hưởng thụ tình yêu thương của mình, rồi cả vinh hoa phú quý. Nếu như bà biết sự thật thì há có thể không hận?
“Cả kinh thành luôn đồn rằng Hầu gia và công chúa ái ân chan chan, phu thê hòa thuận…” Ta khẽ than.
Chàng cười khẩy, giọng điệu lạnh lùng: “Những năm qua ông ta ra vẻ nặng tình, thực tế ông ta oán hận mẫu thân ta. Năm đó sau khi thái hậu ban hôn, thế mà trước ngày đại hôn ông ta dám đưa một dân nữ về phủ. Họ tư thông với nhau, lặng lẽ kết trái. Nữ tử nọ bị Bùi gia đuổi ra khỏi nhà, sau đó sinh hạ con trai, ấy chính là Bùi Tế Viễn.
Nhưng nữ tử nọ và Bùi Tế Viễn mãi mãi không thể đứng trước mặt người đời một cách quang minh chính đại. Thế nên ông ta đích thân vạch ra một con đường cho Bùi Tế Viễn, vì vậy mà không tiếc dồn ta vào chỗ chết.”
Con người như vậy nào xứng đáng làm cha, chẳng trách Cố Hàm Chương không chịu đổi họ.
Sở dĩ hôm ấy chàng không vạch trần việc này là vì muốn thấy Bùi Tế Viễn sống trong Hầu phủ với thân phận xấu hổ, để hắn cảm nhận mùi vị rơi xuống vũng bùn, đồng thời giày vò Tuyên Bình Hầu.
Cố Hàm Chương đứng cạnh ta, nói ám chỉ: “Thái hậu muốn triệu nàng vào cung chẩn bệnh cho người.”
Hiển nhiên chàng đã can thiệp vào việc này.
Ba ngày sau, người trong cung đến đón ta.
Ta vào cung Thọ Khang để kiểm tra tường tận, quan sát chứng bệnh của Thái hậu.
Nhưng Thái hậu giữ ta ở lại trong cung để tịnh tâm điều dưỡng cho bà.
Ta hiểu ý định của Cố Hàm Chương, chàng cố tình điều ta đi.
Trong chốn thượng uyển thâm cung này, không ai dám giành người với Thái hậu.
Ta ở trong cung Thọ Khang một tháng. Thái Hậu đối xử rất nhân hậu với ta.
Chỉ trong thời gian một tháng, phủ Tuyên Bình Hầu đã xảy ra vài chuyện lớn.
Bùi Tế Viễn không chịu đựng được cơn đau nên mất ngủ cả đêm. Cuối cùng hắn mắc chứng điên loạn, tự sát ngay trong đêm khuya.
Công chúa Hà Dương hòa ly với Tuyên Bình Hầu, cuối cùng về phủ công chúa.
Cố Hàm Chương cũng rời khỏi Hầu phủ, từ đây không hề có quan hệ gì nữa.
Trong mắt người ngoài, chuyện nào chuyện nấy đều vô lý.
Nguyên nhân không được công khai. Nhưng Cố Hàm Chương ở trong ngự thư phòng hai canh giờ, bệ hạ đồng ý với mọi điều.
Ta hiểu rõ nội tình sự việc nên không thấy bất ngờ. Một khi những chuyện này bị lộ thì chính là bê bối của hoàng gia, chi bằng hạ màn một cách giữ thể diện như trước mắt.
Vài ngày sau, người ta tìm ra lỗi lầm của Tuyên Bình Hầu, dâng tấu ngay trong triều. Ông ta bị bệ hạ tước danh vị, lưu đày ra ngoài tám ngàn dặm.
Giang Chiếu Ảnh là con dâu Bùi gia nên không tránh khỏi liên lụy. Nàng ta bị đưa đến Nhạn Đình Ty, làm nô bộc ở đây cả đời.
Tan nhà nát cửa.
Đây chính là cục diện mà Cố Hàm Chương mong muốn.
Chàng về Hầu phủ là vì trả thù.
***
“Chúc huynh cầu được ước thấy, quãng đời còn lại không bị thù hận bủa vây nữa. Mong mai này huynh sẽ thực hiện được chí lớn, lên như diều gặp gió.” Giọng điệu của ta thì chậm rãi, nụ cười của chàng lại trông hơi sầu.
“Cuối cùng ta cũng không giữ được nàng.” Chàng nói với giọng điệu nặng nề.
Nay phủ Tuyên Bình Hầu không còn tồn tại. Đương nhiên hôn ước do lão Hầu gia đặt ra cũng tan theo gió.
Dường như vì chứng khiến nhiều biến cố như thế này nên phụ thân cũng thay đổi. Ông nghĩ chốn quan trường phù du, đời người vô thường, vinh hoa cũng sẽ hóa thành cát bụi chỉ trong một sớm, chi bằng cứ sống theo lòng mình. Ông nói ta có thể đi làm việc mà mình thích, phải có người kế thừa y thuật của Giang thị, không thể để nó bị mai một.
“Đúng, ta phải đi rồi. Tổ phụ từng nói rằng, bình sinh sư huynh đồng môn của ông có hai điều tiếc nuối. Một là ra tay cứu người, hai là thấy chết không cứu. Ông ấy từng châm cứu trị chứng bệnh kỳ quặc cho một người phụ nữ. Tuy bà đã được cứu sống, nhưng lại treo cổ tự vẫn bởi lời ra tiếng vào của người đời và lời trách mắng của nhà chồng. Sau này khi gặp phải bệnh nhân mắc chứng bệnh giống vậy, ông lựa chọn không cứu. Nhưng lần này nữ tử ấy lại chết bệnh ngay trước mắt ông.
Cứu hay không cứu đều là sai. Ông ấy áy náy không thôi, từ đây không động vào kim châm nữa. Khi ấy ta nói với tổ phụ rằng, ta là nữ tử, nếu học được y thuật thì có thể cứu giúp càng nhiều nữ tử trên cõi đời này. Ta có thể làm được những điều họ không thể làm.”
Kể từ ngày hôm ấy, tổ phụ yêu cầu rất cao với ta. Ông truyền thụ kiến thức cả đời mình cho ta. Nay ta phải đi thực hiện lời nói hôm ấy.
Chàng khẽ ngước mắt, suy nghĩ hồi lâu rồi thất vọng nói: “Hôm ấy nàng nói hôn ước mà không có tình cảm với nhau thì chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng sao nàng biết ta không có ý với nàng? Nàng ở bên ta, ta sẽ không trói buộc nàng. Nàng vẫn có thể hành nghề y cứu người, có thể đi ra ngoài chẩn bệnh…”
Lời nói này nghe quá tuyệt vời. Nhưng trên đời này nào có chuyện được cả cá và tay gấu?
Ta hiểu rất rõ mai này phải đối mặt với những gì trên con đường mà chàng nói.
Ta bình tĩnh nói: “Chút tấm lòng này của huynh liệu có đối chọi được với sự hãm hại, lời gièm pha nơi nhà cao cửa rộng? Đối chọi được với lời lẽ chia rẽ của người ngoài chăng? Đối chọi được với ánh mắt khác thường của thế gia chăng?”
Hoàn toàn không thể.
Từ hồi chàng vào kinh đi thi thì ta đã nhận ra chí lớn trong chàng. Mai này chàng ắt sẽ làm nên việc lớn trong triều đình. Nữ tử sánh vai cùng chàng không thể tùy ý mình, cả đời bị bó buộc trong quy tắc lễ giáo.
“Ta không muốn từ bỏ chí hướng đi đánh đổi một lời hứa hẹn của huynh. Có lẽ sau này huynh sẽ giống như Bùi Tế Viễn, trách ta không an phận thủ thường, không thể làm vợ hiền của huynh, lại khiến huynh mục tiêu công kích, đối mặt với vô vàn tình cảnh bất lực. Ta biết tham vọng của huynh nằm trong triều đình. Ta không muốn làm liên lụy đến huynh, càng không muốn mình tạm bợ.”
Nghe ta nói xong, ánh mắt chàng chất chứa vẻ nặng nề và thất vọng. Cuối cùng chàng cười gượng: “Vậy ta đợi tin tốt từ nàng. Đợi mai này nàng trở thành thần y nổi danh khắp thiên hạ, ta ở đây vẫn nghe được tiếng thơm.”
“Được. Nhiều năm sau, có thể hai ta sẽ gặp lại nhau nơi Giang Nam liễu rủ, nơi Mạc Bắc tuyết bay. Khi ấy có lẽ ta và huynh đều đã thực hiện được chí hướng.”
Ta bước lên xe ngựa. Chàng đưa mắt tiễn ta.
Từ nay về sau, ta sẽ đi khắp núi sông, thưởng thức trọn hương thơm của thuốc.