Chương 4
Trước mười ba tuổi, tôi sống trong cô nhi viện cũ kỹ, thiếu thốn đủ bề, nhưng ít ra cũng được an toàn. Mười ba tuổi, cô nhi viện được sửa sang lại, khá khẩm hơn, ngày nào cũng có thịt, có sách đọc, nhưng tôi lại thấy bất an.
Cứ như có một ánh mắt dõi theo tôi trong bóng tối, bất kể tôi đi đâu. Đồ lót mới phơi biến mất, đồ đạc trong phòng cũng không cánh mà bay. Thậm chí có đêm, đang ngủ, tôi còn thấy có người chạm vào chân mình. Tôi không dám nói, vì kẻ đó chính là viện trưởng.
Tôi cắn răng chịu đựng suốt hai năm. Cho đến ngày ông ta gọi tôi vào văn phòng, định cởi quần tôi ra. Tôi đạp ông ta một cái rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu cứu. Cô nhi viện nằm ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại. Thỉnh thoảng gặp một vài người, ông ta lại bảo tôi là con gái ông ta, đang dở chứng. Chẳng ai thèm để ý đến tôi.
Viện trưởng sắp đuổi kịp, bỗng một chai nước suối bay vèo qua tai, rồi tôi nghe tiếng ông ta kêu đau ở phía sau. Tôi không dám ngoái lại, sợ bị bắt. Tôi chỉ kịp nhìn thấy thiếu niên vừa ném chai nước. Anh cười hề hề, bảo tôi chạy nhanh lên, rồi hỏi tôi có muốn đi cùng anh không.
Tôi chẳng còn đường nào khác, chỉ biết gào lên “cứu với”. Anh nắm tay tôi, kéo tôi chạy thục mạng lên một chiếc xe khách. Đúng lúc viện trưởng xông tới thì xe cũng vừa nổ máy. Cơn ác mộng bị bỏ lại phía sau.
Anh mua thêm vé cho tôi, dẫn tôi ra hàng ghế cuối cùng, nơi có một cô bé trạc tuổi tôi đang ngồi. Cô bé dụi mắt, nhìn thiếu niên: “Anh, sao anh đi vệ sinh xong lại lôi một cái đuôi về thế này?”
Mãi sau này tôi mới biết, họ là anh em. Vì bị bố bạo hành, anh đã dẫn em gái bỏ trốn. Chiếc xe sẽ đi về đâu, chúng tôi cũng không biết.
Nhưng thiếu niên vẫn cười, đôi mày xếch ngược lên đầy kiêu hãnh: “Chiếc xe này, chạy về tương lai tươi sáng.”
Lúc ấy, chúng tôi còn chưa kịp hiểu nhau, vậy mà anh đã bảo, sau này tôi cũng sẽ có một tương lai tươi sáng.
Tối đầu tiên ở thành phố mới, cả ba chen chúc trong một căn phòng trọ tồi tàn. Một gói mì tôm úp nước sôi, cả ba thay phiên nhau ăn. Mì thì tôi với em gái anh ăn hết, anh chỉ húp nước.
Đêm nằm kề nhau trên giường, chẳng ai ngủ được. Phấn khích, hoang mang, lại thêm cả lo sợ. Chúng tôi đã trốn thoát khỏi một vực thẳm, nhưng tương lai phía trước, liệu có phải lại là một vực thẳm khác?
Rồi thiếu niên bật dậy, hỏi chúng tôi có muốn đổi tên không. Anh bảo, hôm nay là ngày đầu tiên bước về phía ánh sáng, cần phải có một cái tên mang lại may mắn.
Thế là chúng tôi chọn được một chữ cho mỗi người, nhưng lại chẳng biết lấy họ nào. Họ không muốn giữ lại họ cũ, còn tôi, tôi cũng chẳng biết mình họ gì. Cuối cùng, thiếu niên chỉ vào cuốn Đường thi tam bách thủ đã rách bươm trên bàn, bảo chúng tôi sẽ cùng mang họ Đường.
Đường Diệu, Đường Noãn, Đường Chiêu.
Cái tên, cùng với vận mệnh, gắn kết ba con người xa lạ lại với nhau, trở thành một gia đình.
Hôm sau, Đường Diệu đi ra ngoài một lát rồi trở về, bảo đã thuê được nhà. Trước đó anh có để dành được ít tiền, hôm bỏ trốn lại lấy thêm của bố được một ít, nhưng cũng không nhiều. Căn nhà thuê ở một khu chung cư cũ kỹ trong phố cổ, nhỏ xíu, chỉ có một phòng ngủ và một phòng khách, nhưng đó là nhà của chúng tôi ở thành phố xa lạ này.
Ổn định chỗ ở xong, ba chúng tôi bắt đầu kiếm việc làm thêm. Còn nhỏ tuổi, chẳng ai thuê chính thức, chỉ toàn việc lặt vặt như phát tờ rơi, bưng bê, chạy vặt linh tinh.
Đường Diệu hơn tôi và Đường Noãn hai tuổi, chưa đến tuổi thành niên mà cái gì cũng biết: nấu nướng, giặt giũ, lo cho hai em từng li từng tí. Anh lanh lợi, nói năng lại khéo, làm thêm ở siêu thị, phụ bán hàng cũng được việc. Thỉnh thoảng, cô bán hàng lớn tuổi còn cho anh ít rau củ.
Cả ba đùm bọc nhau, tuy không dư dả gì nhưng cũng đủ ăn. Đường Diệu luôn lạc quan, anh bảo rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Giữa cuộc đời mênh mông này, ba chúng tôi nương tựa vào nhau mà sống, chông chênh nhưng cũng đủ vững lòng.
Một hôm, Đường Diệu mua một miếng thịt về, bảo có tin vui. Anh kể, khi làm ở siêu thị có quen một cô giáo, cô ấy đồng ý cho tôi và Đường Noãn đi học lại. Cả hai chúng tôi đều từ chối. Đường Noãn học hành chẳng giỏi giang gì, lại không thích đọc sách, dạo này đang học nghề trang điểm ở tiệm thẩm mỹ, thấy hợp nên không muốn quay lại trường. Còn tôi, tôi ngại.
Nhưng hai anh em Đường Diệu thay phiên nhau thuyết phục. Đường Noãn bảo nhìn tôi là biết có tướng thi đại học, cứ học cho giỏi, sau này báo đáp cũng chưa muộn. Tôi biết, họ chẳng cần tôi báo đáp, họ xem tôi như người nhà rồi.
Đời người, có khi mênh mông như biển, cả đời chỉ gặp được vài người như thế. Có khi lại nhỏ bé như lòng bàn tay, một sợi dây mong manh tình cờ cũng đủ kết nối những người xa lạ thành người thân.
Thế là hai người họ đi làm, tôi đi học. Ngoài giờ và cuối tuần, tôi kiếm việc làm thêm, toàn việc nhẹ nhàng, như trông tiệm, ba mươi tệ một ngày, vừa làm vừa đọc sách được.
Tôi cứ âm thầm tiết kiệm. Đủ tiền, việc đầu tiên tôi làm là mua cho Đường Diệu cái giường gấp. Phòng trọ nhỏ, chỉ đủ chỗ cho tôi với Đường Noãn, Đường Diệu toàn nằm sofa ngoài phòng khách, chân dài thượt thò ra ngoài. Anh tiếc tiền mua giường cho mình, nhưng mua sách vở cho tôi thì chẳng tiếc gì.
Hôm nhận giường, Đường Diệu xoa đầu tôi, mắt cười cong cong: “Giỏi đấy, còn biết mua giường cho anh. Không uổng công anh thương em.”
Nhìn anh, tim tôi đập rộn ràng, vui mà cũng chẳng vui. Tôi không muốn gọi anh là anh trai.
Nhiều đêm sau đó, tôi ngồi học bài bên bàn, Đường Diệu nằm trên chiếc giường gấp tính toán sổ sách. Anh luôn là người đầu tiên phát hiện cốc nước của tôi đã cạn, rồi lặng lẽ rót đầy. Khuya, anh lại nấu cho tôi bát mì, thêm quả trứng ốp la. Anh cứ nhìn tôi cười, bảo sau này tôi nhất định sẽ khá.
Tôi có hỏi anh, sao hôm đó anh lại đưa tôi chạy cùng. Anh bảo anh nghĩ tôi bị bắt cóc, vì tôi chẳng giống con gái ông viện trưởng kia chút nào. Bao nhiêu người nghe tiếng tôi kêu cứu, chỉ có anh vươn tay ra.
Lên lớp mười hai, bài vở càng nhiều, giờ tự học tối cũng muộn hơn. Mùa đông, trời tối nhanh, lại lạnh cắt da cắt thịt. Đường Noãn mua cho tôi đôi bốt tuyết dày nhất, ngày nào cũng nhét túi sưởi ấm vào cặp. Cậu ấy bảo ngồi lì một chỗ dễ lạnh lắm.
Còn Đường Diệu, chiều nào cũng đợi tôi ở cổng trường, tay cầm chai sữa nóng, hai quả trứng gà. Anh bảo tôi dùng não nhiều, phải bồi bổ. Anh đến nhiều, người trong trường quen mặt.
Anh đẹp trai, ăn nói dễ nghe, ai cũng quý, nhất là mấy bạn con gái. Nhiều bạn nhờ tôi đưa thư, tặng quà cho anh, rồi còn dặn: “Nhờ cậu đưa cho anh trai cậu nhé.”
Tôi từ chối hết. Tôi bảo anh tôi không có yêu đương gì.
Đến Noel, anh vẫn đứng đợi tôi ở cổng trường. Từ xa, tôi đã thấy một cô gái mặt đỏ tía tặng anh quả táo. Anh không những nhận mà còn lấy củ khoai lang nướng trong túi đưa lại.
Trên đường về, tôi lờ anh đi. Anh kéo quai cặp, nhíu mày hỏi: “Ở trường có ai bắt nạt em à?”
“Cần anh lo?” Tôi thừa nhận, lúc đó tôi hơi giận mất khôn.
“Em không cần anh lo thì ai lo?”
“Đường Chiêu, em giỏi lắm nhỉ?” Anh chắn trước mặt tôi, mặt nghiêm lại. “Em yêu đương rồi phải không?”
Tôi chỉ vào quả táo trên tay anh, tức đến sôi máu: “Anh còn nhận táo của người ta, em thì không được yêu đương à?”
Anh sững người một giây rồi bật cười, mắt anh sáng long lanh, dịu dàng và say đắm. Anh hơi cúi xuống, nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nói khẽ khàng như đang thôi miên. “Chiêu Chiêu của anh, em đang ghen sao?”
Lúc đó tôi mới nhận ra, anh nhìn thấu lòng tôi rồi. Tôi xấu hổ, định bỏ chạy thì anh đã kéo tôi vào lòng. Qua lớp áo, tôi vẫn cảm nhận được lồng ngực anh rung lên.
“Bạn ấy nói là bạn học của em nên anh mới nhận. Anh cũng tặng lại rồi mà. Anh chỉ muốn em hòa đồng với bạn bè thôi. Nếu Chiêu Chiêu không vui thì lần sau anh sẽ không nhận nữa.”
Gió lạnh luồn qua người nhưng không xua đi được hơi nóng trên má tôi.
Từ hôm đó, giữa tôi và Đường Diệu có một sự thay đổi kỳ lạ. Nói lạ chỗ nào thì tôi cũng không biết nữa. Chỉ là ánh mắt chạm nhau rồi vội vàng quay đi, tay vô tình chạm vào nhau rồi giật mình rụt lại. Những chuyện rất bình thường trước kia giờ bỗng dưng bị phóng đại lên vô số lần. Mà cả hai đều ngầm hiểu, không ai nói gì.
Cho đến một hôm, tôi đang sấy tóc thì Đường Noãn đột nhiên hỏi: “Chiêu Chiêu, cậu đang yêu anh mình đấy à?”
“Không thì sao mình thấy cậu cứ nhìn anh mình là đỏ mặt?”
Tôi: “…”
Thì ra rõ ràng đến thế sao?
Tôi còn chưa kịp nói gì thì Đường Noãn đã thở phào nhẹ nhõm: “Tốt quá! Lần sau đồng nghiệp của mình mà dòm ngó anh mình nữa, mình sẽ nói mình có chị dâu rồi.”
Tôi vừa buồn cười vừa khó xử. Chị dâu gì chứ? Bản thân tôi còn chưa biết mình có được coi là chị dâu hay không nữa.
Hôm thi đại học xong cũng là sinh nhật tôi. Đường Noãn bận công tác xa, nên lúc tôi thổi nến, cậu ấy chỉ gọi video chúc mừng. Cậu ấy còn bảo tôi có quà, giấu trong tủ đầu giường.
Thổi nến xong, Đường Diệu chống tay lên bàn, nhìn tôi, khẽ nói: “Chiêu Chiêu, chúc em năm nào cũng bình an.”
Lúc đó tôi đã nghĩ, ước mơ của mình chắc cũng không khó thành hiện thực lắm đâu. Tôi chỉ mong mỗi năm sinh nhật đều có Đường Diệu và Đường Noãn bên cạnh.
Chiếc bánh sinh nhật mười tám tuổi, tôi và Đường Diệu mỗi người ăn một nửa. Tắm rửa xong, tôi về phòng, tìm thấy món quà Đường Noãn tặng. Cầm nó trên tay, tôi thấy lòng nóng ran. Đường Diệu đứng ở cửa, hình như cũng vừa tắm xong.
Chúng tôi nhìn nhau, mặt ai cũng đỏ bừng.
Anh khép cửa phòng lại, bảo tôi ngủ sớm đi.
Đêm hè oi bức, chiếc quạt cũ kêu cọt kẹt suốt đêm, nghe thật khó chịu. Tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Cuối cùng, tôi mò ra khỏi phòng, chui tọt vào lòng Đường Diệu.
Chiếc giường gấp nhỏ xíu, hai chúng tôi gần như dính chặt vào nhau.
Đường Diệu cứng người trong giây lát, rồi ôm tôi vào lòng: “Không ngủ được à?”
Tôi gật đầu, gối lên cổ anh. Thật ra cũng buồn ngủ rồi, nhưng vẫn muốn làm nũng.
Anh hỏi tôi định thi trường nào. Tôi bảo tôi định thi trường sư phạm trong thành phố, miễn học phí bốn năm, lại gần nhà.
Đường Diệu nâng mặt tôi lên: “Không được. Với thành tích của em, phải vào trường tốt hơn chứ.”
“Tiền em không cần lo. Em cứ học cho tốt, mọi chuyện khác để anh lo…”
Anh chưa nói hết câu, tôi đã bịt miệng anh lại. Đôi khi anh nói nhiều quá.
Nụ hôn đầu tiên vụng về đến mức tôi quên cả thở.
Đường Diệu buông tôi ra, bật cười: “Đến thở cũng không biết mà học đòi cưỡng hôn. Giỏi thật.”
Mặt tôi nóng bừng. Bóng tối che khuất đi gương mặt đỏ lựng của tôi. Tôi không dám nói gì.
Im lặng một lúc lâu, anh xoa đầu tôi: “Chiêu Chiêu, em giỏi giang như vậy, phải ra ngoài kia, nhìn ngắm thế giới rộng lớn hơn, gặp gỡ những người tốt hơn.”
“Đừng tự giam mình lại, cũng đừng lo cho bọn anh.”
“Anh không muốn sau này em hối hận vì đã bỏ lỡ điều gì quan trọng.”
Anh luôn như vậy, nâng niu tôi trong lòng bàn tay, chỉ mong tôi có một tương lai tươi sáng như anh vẫn nói. Tôi ôm eo anh, lắc đầu: “Không có gì quan trọng hơn anh và Đường Noãn.”
“Em sẽ không đi đâu hết. Em sẽ ở lại đây.”
Sau này, Đường Noãn trở về, nghe tôi nói vậy thì nhìn hai chúng tôi, vẻ mặt khó hiểu: “Sao kỳ vậy? Chiêu Chiêu muốn học ở đâu thì mình cùng đi chứ. Đâu phải trên đời chỉ có mỗi thành phố này.”
Ừ nhỉ, yêu đương đúng là làm người ta chậm chạp. Tôi và Đường Diệu đều ngượng ngùng không nói nên lời.
Cuối cùng, tôi đăng ký vào một trường đại học ở phía Bắc. Chúng tôi lại cùng nhau đến một thành phố mới. Rời khỏi căn nhà đã gắn bó bốn năm, lòng không chút lưu luyến. Bởi vì cả ba chúng tôi đều hiểu, chỉ cần có nhau, nơi nào cũng là nhà.
Cuộc sống nơi thành phố mới cũng bình lặng như nước hồ thu. Đường Diệu và Đường Noãn đi làm, tôi đi học. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, tôi cũng làm thêm chút đỉnh.
Đường Noãn dần có tiếng tăm trong nghề trang điểm, đôi khi còn được mời trang điểm cho mấy diễn viên nổi tiếng. Cậu ấy xin được ảnh có chữ ký rồi đưa tôi mang vào trường bán, kiếm thêm chút tiền tiêu vặt.
Đường Diệu vẫn làm công việc cũ, nhờ chăm chỉ mà được lên làm trưởng nhóm.
Còn tôi, học kỳ nào cũng được học bổng.
Cuộc sống tưởng chừng êm ả trôi. Chúng tôi vẫn giữ lời hứa, đợi đến khi kiếm đủ tiền sẽ cùng nhau đến một nơi nào đó nhiều gió, trồng đầy hoa trong vườn, nuôi thêm hai con mèo. Tương lai tưởng như đã ở ngay trước mắt.
Nhưng đời người, lúc nào cũng có những bất ngờ. Đúng lúc chúng tôi cảm thấy mọi thứ dần tốt đẹp thì Đường Diệu đổ bệnh. Một căn bệnh di truyền hiếm gặp, đến cả tên cũng chưa có. Bệnh hành nhanh, tàn phá cơ thể anh từng ngày. Chi phí điều trị lại vô cùng tốn kém.
Đường Noãn bắt đầu làm việc quần quật, còn tôi thì quyết định nghỉ học. Dù Đường Diệu có mắng chửi thế nào, tôi cũng không quay lại trường. Tôi không biết người ta gọi đó là linh cảm hay gì, nhưng tôi biết, nếu lúc này tôi không ở bên cạnh anh, sau này sẽ không còn cơ hội nữa.
Tiền tiết kiệm chẳng mấy chốc mà cạn. Tôi bắt đầu làm thêm đủ việc, có ngày đến năm công việc khác nhau. Tôi chỉ muốn kiếm thêm chút tiền, níu giữ anh ở lại thêm chút nào hay chút ấy.
Đường Diệu ngày một gầy yếu, vị giác cũng dần mất đi, ăn uống chẳng được bao nhiêu. Tôi xin vào làm ở một quán ăn, ngày ngày lén học nấu nướng, cố gắng biến tấu đủ kiểu món ăn, chỉ mong anh ăn thêm được chút. Tôi chẳng biết mình còn có thể làm gì hơn cho anh nữa.
Mấy ngày cuối cùng, Đường Diệu không cho tôi đi làm. Anh chỉ muốn tôi ngồi bên cạnh, phần lớn thời gian anh cứ lặng lẽ nhìn tôi. Người anh gầy rộc, xanh xao, nhưng đôi mắt vẫn trong veo như ngày đầu chúng tôi gặp nhau.
Rồi một buổi chiều nắng đẹp, gió nhẹ, Đường Diệu ra đi. Một sinh mệnh được vun đắp hơn hai mươi năm, vậy mà chỉ cần nửa năm để bạo bệnh tàn phá. Đời người, mong manh là thế.
Bình luận về Chương 4
BÌNH LUẬN